Vậy bản vẽ xây dựng là gì? Bản vẽ xây dựng là một tổ hợp mặt bằng, mặt bên, mặt đứng và mặt cắt của các vật thể trong công trình. Hoặc có thể là một vật thể cần biểu diễn. Đôi khi bản vẽ cũng chỉ thể hiện mặt bằng, mặt bên, mặt đứng, mặt cắt của một vật thể. Hay nói một cách nghệ thuật hơn thì bản vẽ là một câu truyện được người thiết kế kể bằng các kí hiệu bản vẽ theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

Biết cách đọc bản vẽ xây dựng nhà ở là không có thừa, giả sử như bạn đang chuẩn bị làm nhà. Bạn đang nghi ngờ đội ngũ xây dựng, thợ xây dựng đọc bản vẽ không đúng. Bạn có thể đọc để hiểu được rằng người ta có làm đúng hay không? Hay nếu bạn đang cần thiết kế nhà ở thì việc đọc bản vẽ cũng khá quan trọng để bạn biết được rằng nhà đó thiết kế có hợp lí không? Có rất nhiều nguyên nhân để các bạn có thể đọc bài viết này và không bị lãng phí thời gian dành cho các bạn. Để đi vào chi tiết hơn chúng tôi xin được tách ra làm 2 phần để các bạn tiện theo dõi.

Các kí hiệu bản vẽ trong xây dựng

Để hiểu được bản vẽ chúng ta phải nắm bắt được phần kí hiệu trong bản vẽ xây dựng sau đó các bạn mới có thể đọc được nhé. Chính vì thế chúng tôi sẽ chia sẻ tới các bạn các kí hiệu bản vẽ trong xây dựng nhà ở để các bạn tham khảo trước.

Kí hiệu vật liệu trong bản vẽ xây dựng

Các kí hiệu vật liệu trong bản vẽ xây dựng

Để biết cách đọc bản vẽ xây dựng nhà ở chúng ta phải hiểu được cách kí hiệu cơ bản trong bản vẽ xây dựng. Đây là bảng thể hiện kí hiệu các loại vật liệu trong bản vẽ xây dựng nhà ở. Có lẽ mới nhìn lần đầu nên các bạn còn bỡ ngỡ nhưng nhìn quen rồi chúng ta sẽ thấy đơn giản thôi. Khi học thì chúng ta được học theo tiêu chuẩn xây dựng nhưng khi đi làm thực tế lại có chút sai khác. Đôi khi kí hiệu lại khác so với tiêu chuẩn ban hành, nếu các bạn thể hiện bản vẽ chúng ta nên chú thích ra tránh sự hiểu nhầm không đáng có.

Kí hiệu bản vẽ đồ nội thất


Kí hiệu  đồ nội thất

Đây là phần kí hiệu các đồ nội thất cơ bản trong bản vẽ kĩ thuật xây dựng. Còn rất nhiều các loại kí hiệu khác nhé các bạn nhưng nếu bạn chỉ cần đọc bản vẽ xây dựng nhà ở thì như thế này là đủ rồi. Ngoài ra chúng ta có thể tiếp cận vấn đề bằng cách khác như nhìn bản vẽ thấy giống cái gì thì chúng ta có thể biết được là đồ đó. Các kí hiệu này được vẽ trên nguyên lí mặt bằng tức là hình chiếu từ phía trên nhìn xuống với mặt cắt cao độ 900mm.

Hướng dẫn cách đọc bản vẽ xây dựng nhà ở

Và bây giờ sẽ là phần hướng dẫn các bạn đọc bản vẽ xây dựng sao cho nhanh nhất và đơn giản nhất. Như đã nói ở phần khái niện bản vẽ xây dựng thì nhà ở sẽ là một tổ hợp các vật thể trong cùng một khối. Chính vì thế cho nên việc đọc sẽ gặp khó khăn hơn khá nhiều. Nếu chỉ có một vật thể đơn giản thì chắc hẳn các bạn sẽ không gặp quá nhiều khó khăn cho lắm đúng không?

Cách đọc bản vẽ mặt bằng nội thất nhà ở

Cách thức đọc là chúng ta nhìn tổng thể trước sau đó chúng ta sẽ đi vào chi tiết của từng thứ thì sẽ dễ hơn nhé.
 


Hướng dẫn cách đọc bản vẽ xây dựng nhà


 Đây là mặt bằng bố trí nội thất mà chúng tôi muốn gửi tới các bạn cùng tham khảo. Nhìn vào bản vẽ kia các bạn có thể nhận thấy phần tường xây bằng gạch theo kí hiệu như phía trên, phần lưới cột là cột màu đen có kích thước 220x220m. Nếu nhìn vào trong bản vẽ này các bạn mà hiểu được phần kích thước. Trong bản vẽ cũng có ghi rõ các kí hiệu các phòng, kích thước của từng phòng, diện tích từng phòng. Mỗi phòng chúng ta đều có thể thấy khá rõ được vị trí đặt giường ngủ, tủ quần áo, hướng cửa mở, vị trí cửa mở. Tương tự cho các phòng khác thì mỗi phòng đều có kích thước và vị trí của các đồ đạc khá rõ ràng. Tất nhiên đây là bản vẽ 2D thì không thể so sánh với bản vẽ 3D được.

Phối cảnh 3D mặt bằng biệt thự NDBT1T45


Đây là bản vẽ 3D về mặt bằng để các bạn có thể tham khảo chi tiết nhất, tất nhiên có thể vẽ cả 3D kết cấu của khung nhà nhưng thời gian và chi phí thiết kế sẽ cao hơn. Vừa có bản vẽ 2D vừa có bản vẽ 3D thì việc thi công sẽ không quá khó, nhưng đó chỉ là dành cho những người mới biết đọc bản vẽ mà thôi. Còn nếu chúng ta đọc bản vẽ thành thạo thì tôi nói rằng đó là không cần thiết. Nếu đối với các dự án lớn các bạn mà đều làm thế thì tôi nói rằng mỗi công trình các bạn phải chở bằng xe tải mới hết được bản vẽ.

Cách đọc bản vẽ các hình chiếu đứng của bản vẽ nhà ở

Các bạn nhìn bản vẽ phía trên và có thấy rằng bản vẽ mặt bằng nội thất được thiết kế với các trục chia khoảng cách và được đánh số theo thứ tự chữ cái và thứ tự số. 1 trục sẽ đánh bằng kí tự chữ cái, còn lại 1 trục sẽ đánh theo số thứ tự. Hoặc các bạn sẽ đánh theo hướng ngược lại không nhất thiết là sẽ cố định nhé.


Mặt đứng của mẫu nhà 2 tầng


Thông thường một căn nhà chúng ta sẽ có 4 mặt đứng và 2 mặt cắt. Số lượng mặt cắt sẽ phụ thuộc vào độ phức tạp của căn nhà với mục đích thể hiện thật rõ được cấu tạo của nhà. Như tôi đã nói mặt đứng của một căn nhà đó chính là mặt đứng của tổ hợp các vật thể có trong căn nhà đó. Và mặt đứng này thể hiện cũng rất rõ rằng, vị trí của cửa đi, cửa sổ, chiều cao của mái, kích thước mái, chiều cao của các phần trang trí, cách trang trí như thế nào đều được chú thích rất rõ ràng trong các mặt đứng này.

Cách đọc bản vẽ mặt cắt của nhà 2 tầng


Cách đọc bản vẽ mặt cắt nhà 2 tầng

Đây là phần bản vẽ mặt cắt của nhà 2 tầng, các bạn có thể nhìn thấy được ở dưới cùng là kí hiệu của lớp đất tự nhiên, trên nền đất là bê tông gạch vỡ mác 100. Trên nữa sẽ là tường ngăn các phòng, cầu thang và sàn tầng 1. Chúng ta chỉ cần quan tâm tới chiều cao của sàn tầng 1 và sàn tầng 2 cũng như chiều cao của sảnh, mái, đỉnh nóc là đủ rồi. Trong bản vẽ cũng thể hiện khá chi tiết các chi tiết đó, ngoài ra các chi tiết nhỏ hơn sẽ được trích và ghi chú trong bản vẽ khác.

Đây là những bản vẽ cơ bản của một mẫu nhà ở để các bạn có thể tham khảo. Nếu các bạn thấy khó thì chúng ta hãy thư thái mà tìm hiểu hoặc các bạn cứ coi như đó là một câu truyện của các kiến trúc sư. Chỉ có điều câu truyện này được các kiến trúc sư thể hiện bằng các nét vẽ khô khan mà thôi. Thông thường cách thể hiện bản vẽ là sẽ đi từ tổng thể cho tới chi tiết. Tức là bao giờ cũng có mặt bằng định vị vị trí của các đồ đạc, sau đó sẽ đi vào chi tiết của các đồ khác.

Cách đọc bản vẽ móng trong nhà ở

Trong bài viết trước chúng tôi cũng có hướng dẫn các bạn về các bản vẽ móng cũng như hướng dẫn một phần cách đọc cơ bản. Các bạn có thể tham khảo tại:

Và bây giờ chúng ta sẽ đi chi tiết hơn một chút có chiều sâu vào móng hơn nhé.


Chi tiết móng băng và móng cốc


Đây là chi tiết của phần móng, các bạn có thể thấy được trong bản vẽ này thể hiện 5 chi tiết, 5 mặt cắt của các loại móng như sau:

  • Mặt cắt móng băng
  • Chi tiết cổ móng
  • Mặt cắt tường móng
  • Mặt cắt dầm chân thang
  • Chi tiết móng đơn

Cách đọc bản vẽ mặt cắt móng băng


Mặt cắt móng băng

Các bạn nhìn bản vẽ mặt cắt móng băng sẽ nhìn thấy cao độ của móng là 600 trong đó 250mm là thân móng và 250 là phần vuốt móng lên, cao độ 100 là cổ móng. Chiều rộng của móng là 1200 mm. Được bố trí với 6 thanh thép phi 20 trong đó 3 thanh thép lớp trên và 3 thanh thép lớp dưới. Ở dưới cùng sẽ là lớp thép phi 12 đan cách nhau là 200 mm. Dưới cùng của móng là lớp lót bằng bê tông mác 100 hay thông thường mọi người thường lót bằng gạch để đổ bê tông. Như vậy thôi phần bản vẽ mặt cắt móng chúng ta chỉ cần quan tâm tới các thông số đó là được.

Cách đọc bản vẽ chi tiết cổ móng


Chi tiết cổ móng CC1

Phần cổ móng này thường có trong móng băng nên sẽ hay được thể hiện trong bản vẽ nhà nào làm móng băng, móng bè. Cổ móng thể hiện bẻ mỏ liên kết với đế móng, khoảng cách mỏ là 200mm, mỗi cổ cột sẽ có 4 thanh thép phi 20, đai cột được bẻ bằng sắt 6 khoảng cách của mỗi đai là 150mm

Cách đọc bản vẽ mặt cắt tường móng


Mặt cắt tường móng

Mặt cắt tường móng này thể hiện phần xây từ móng trở lên hoặc dầm trở lên (cho móng cốc) và xây tường 220 cao tới cốt không sẽ đổ giằng bê tông chống thấm. Và thông thường xây dưới cốt không chúng ta nên xây gạch đặc để chống thấm tốt hơn. Giằng cốt không ngoài tác dụng chống thấm ra thì không còn tác dụng gì khác nhé các bạn cho nên các bạn đừng lãng phí nhiều tiền vào phần đó làm gì.

Cách đọc bản vẽ mặt cắt dầm chân thang:


Mặt cắt dầm chân thang

Đây là phần đế của thang sau khi bạn làm móng xong thì chúng ta bắt đầu làm thang nhé. Phần này thể hiện có lót bằng bê tông mác 100, xây gạch đặc đỡ và có dầm liên kết với thang bằng 4 thanh sắt phi 16, 2 trên 2 dưới và đai sắt bằng sắt 6 cách nhau 15cm. Chiều dài và số lượng của dầm chân thang được thể hiện và ghi rất rõ ràng trong bản vẽ.

Cách đọc bản vẽ chi tiết móng đơn


Chi tiết móng đơn MĐ1


Chi tiết móng đơn cũng không quá khó, thể hiện rất rõ ràng chiều rộng, chiều dài của móng, số lượng sắt cột là 4 thanh phi 18, đáy được đan bằng sắt phi 12 khoảng cách mỗi thanh là 17cm. Trong phần chi tiết dưới thì có thể hiện vị trí dầm liên kết vào móng nữa nhé.

Đấy các bạn thấy không, bản vẽ kĩ thuật cũng không quá khó, nếu chúng ta hiểu được các kí hiệu toán học, kí hiệu bản vẽ kĩ thuật thì đối với bất kì ai cách đọc bản vẽ xây dựng nhà ở không phải là quá khó đúng không? Các bạn có thể tải hình ảnh về và đối chiếu với những lời giải thích của tôi trong bản vẽ các bạn sẽ minh bạch ra được rất nhiều thứ.

Bài viết này được viết với mục đích hướng dẫn cách bạn cách đọc bản vẽ xây dựng nhà ở. Chúng tôi hi vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn được phần nào trong công cuộc xây dựng nhà ở cho gia đình mình. Nếu các bạn đã hiểu được nguyên lí thể hiện bản vẽ thì tôi nói rằng nó không chỉ giúp cho bạn xây nhà mà sau này có thể còn có thể giúp cho các bạn nhiều hơn trong cuộc sống. Với ai mà xây dựng nhà xong cũng có thể đọc và thành thạo được bản vẽ cả thôi, đấy là điều mà tôi thấy như thế.