"Quyền nơron" là thiết yếu

Những ứng dụng khoa học, từ phương pháp kích thích não sâu cho đến máy quét điện não, đang khiến cho việc thao túng tâm trí con người ngày càng khả thi. Theo các nhà thần kinh học hàng đầu, điều này đặt ra sự cần thiết có luật pháp và quy định quản lý việc sử dụng công nghệ mới.

Rafael Yuste, giáo sư chuyên ngành khoa học thần kinh tại Đại học Columbia (Mỹ), khẳng định các quyền trí não con người nên được bổ sung vào Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền mà Liên hợp quốc thông qua năm 1948. Những quyền này được gọi là “quyền nơron”, đề xuất bởi nhóm các nhà khoa học của Morningside Group.

Theo nhóm các nhà khoa học này, có 5 quyền cơ bản để bảo vệ não bộ con người khỏi sự lạm dụng của công nghệ mới, đó là quyền đối với danh tính, quyền tự quyết định, quyền riêng tư về tinh thần, quyền bình đẳng trong tiếp cận các công nghệ cải thiện trí não, và quyền được bảo vệ khỏi hạn chế thuật toán.

Phát biểu trong hội thảo trực tuyến Web Summit 2020 ở Bồ Đào Nha, Rafael Yuste nói: “Nếu bạn có thể ghi lại và thay đổi tế bào nơron thần kinh, thì về nguyên tắc bạn có thể đọc và viết vào tâm trí con người. Đây không phải là khoa học viễn tưởng. Chúng tôi đang thực hiện thí nghiệm thành công trên động vật”.

Nhìn chung nhà nghiên cứu này cho rằng, công nghệ khoa học thần kinh có khả năng thay đổi những gì tạo nên con người, vì vậy phải đặt công nghệ này vào “khuôn khổ nhân quyền”. Hơn nữa các nhà thần kinh học cũng dự báo, nhu cầu cần có “quyền nơron” sẽ lớn hơn khi công nghệ ngày càng phổ biến và được thương mại hóa.


Khi công nghệ thần kinh học được phổ biến
 

Công nghệ thần kinh học cho đến nay đã bắt đầu được ứng dụng khá nhiều trong y tế, chẳng hạn như giải pháp kết nối giữa não với máy tính, giúp bệnh nhân cử động chân tay giả hoặc giao tiếp được sau chấn thương sọ não.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ mới đây đã phê duyệt quy trình kích thích não sâu, thông qua cấy điện cực vào não để điều trị một loạt chứng rối loạn, từ bệnh Parkinson cho đến động kinh.

Một số công ty công nghệ tư nhân đã bán thiết bị đeo để theo dõi hoạt động của não bộ, điều được cho là mang lại khả năng theo dõi tâm trạng và cảm xúc.

Dù sao không chỉ có vậy, John Krakauer, giáo sư chuyên ngành thần kinh học của Đại học Johns Hopkins bang Maryland nhận định, công nghệ khoa học thần kinh sẽ ngày càng vượt ngoài phạm vi y tế.

Krakauer lấy ví dụ về giả định, mạng xã hội và các hệ thống quảng cáo có thể sử dụng công nghệ để thay đổi theo ý muốn của người dùng mà không họ phải nói ra.

Trên toàn cầu, các bộ khung pháp lý bắt đầu được đặt ra nhằm quản lý công nghệ thần kinh học. Nếu sắp tới được thông qua, luật ở Chile sẽ là bộ luật đầu tiên thiết lập “quyền nơron” cho công dân.

Tháng 11 vừa qua, chính phủ Tây Ban Nha cũng vừa đề xuất luật mới để quản lý công nghệ trí tuệ nhân tạo, bao gồm các điều khoản cụ thể về “quyền nơron”.