Thông tin công trình

  • Thể loại: Công trình giáo dục
  • Địa điểm: Thâm Quyến, Trung Quốc
  • Đội ngũ thiết kế: O-office Architects
  • Diện tích: 33.721m2
  • Năm: 2019
  • Ảnh: Chao Zhang, Siming Wu, Nicky Huang

Địa điểm xây dựng

Tốc độ và mật độ cao đã trở thành những đại từ của Thâm Quyến – một thành phố phía Nam Trung Quốc có khí hậu cận nhiệt đới. Dù đã trải qua 40 năm phát triển, dân số và mật độ của siêu đô thị này vẫn đang bùng nổ tại khu vực phía Đông cửa sông Châu Giang. Người dân tại đây đã quen dần với lối sống và làm việc trong những cao ốc chọc trời. Thậm chí, các công trình giải trí và giáo dục cũng được đưa lên cao và phát triển theo phương đứng.

Công trình được phân thành hai nửa Đông – Tây riêng biệt
Phối cảnh công trình từ giao điểm hai trục đường
Mặt đứng phía Đông công trình
 

Địa điểm xây dựng của trường Tiểu học Thực nghiệm Hồng Lĩnh (HEPS) cùng với khu vực xung quanh ban đầu là một ngọn đồi tên An Thác Sơn ở phía Tây Bắc quận Phúc Điền. Ngọn đồi này đã cung cấp một lượng lớn đất đá granit để cải tạo đô thị. Do vậy, ngọn đồi gần như biến mất, ngoại trừ một phần nhỏ ở phía Tây của trường. Sau khi chính quyền rút dần các hoạt động khai thác, phần còn lại của địa hình được san lấp để xây các dự án phát triển đô thị.


Địa hình trước và sau của khu đất xây dựng

Kế hoạch xây dựng ban đầu trên khu đất 100mx100m này là một trường học 24 lớp. Hiện tại, sức chứa của nó đã tăng thành 36 lớp với tổng diện tích sàn tăng gấp đôi so với kế hoạch ban đầu do sức ép về việc thiếu cơ sở học tập. Tỷ lệ của công trình tăng gấp ba lần.


Tiểu cảnh sân trong trường học


Bên cạnh đó, địa điểm xây dựng cũng mang lại khá nhiều khó khăn:

  • Lối tiếp cận đến đường tàu điện ngầm ở góc Đông Nam.
  • Độ cao địa hình giảm dần.
  • Quy chuẩn xây dựng về ánh sáng tự nhiên.

Vì vậy, đội ngũ thiết kế đã đương đầu với nhiều thử thách về bố cục không gian trong quá trình thiết kế.


Ý tưởng thiết kế của mặt bằng và mặt cắt



Tiểu cảnh tầng hầm công trình

Tổ chức theo phương đứng

Tổ chức không gian theo phương đứng là giải pháp thiết kế quan trọng nhất. Các công trình giáo dục cao hơn 24m đã trở nên phổ biến tại Thâm Quyến. Tuy nhiên, điểm bất lợi của giải pháp này là quá nhiều giao thông đứng và các thang thoát hiểm kín, cản trở sự tương tác của các học sinh. Trong thiết kế của trường Tiểu học Hồng Lĩnh, kiến trúc sư đã nỗ lực kiểm soát chiều cao công trình dưới 24m để khuyến khích sự tương tác ngang và đáp ứng các đặc điểm thể chất và tâm sinh lý của trẻ.


Mặt cắt công trình

Tiểu cảnh sân thể thao trên mái khu Đông trường học

 

Trường Tiểu học Hồng Lĩnh được chia làm hai phần Đông – Tây với độ cao khác nhau. Công trình sử dụng gần như toàn bộ các khu vực có thể xây dựng trong khu đất.

Mặt bằng công trình có hình dạng như hai chữ “E” đối xứng. Nửa phía Tây công trình tận dụng khoảng cách bắt buộc giữa các dãy lớp học để tạo thành một sân trong, một “thung lũng” với các cạnh cong mềm mại. Do độ cao địa hình giảm dần, tầng hầm công trình được thiết kế với khoảng sân vườn dốc và cây xanh. Các sân trong được thông tầng đến tận hầm, kết hợp với sân vườn, cung cấp đầy đủ ánh sáng tự nhiên và và thông gió cho các không gian hoạt động thể thao và văn hóa, căng tin tại đây.


Sơ đồ mặt bằng tầng hầm công trình


Khán đài liên kết tầng hầm với tầng trệt phía Bắc

Sân trong được kết nối với tầng trệt bằng một dốc thoải ở phía Nam và một khán đài mở ở phía Bắc. Cùng nhau, tất cả hình thành một công viên địa hình cho trẻ. Sân thể thao và đường chạy 200m được đặt trên mái của phần công trình phía Đông và được kết nối với tầng 2 của khu dạy học chính ở phía Tây. Điều này giúp học sinh ở tầng 2, 3 và 4 dễ dàng tiếp cận khu vực thể thao hơn.
 
Phối cảnh mặt bằng tầng trệt của công trình
Tiểu cảnh sân bóng rổ tại tầng hầm

Bên dưới sân thể thao là một khán phòng 300 chỗ được thiết kế phía trên bể bơi của công viên địa hình. Ở phần công trình phía Tây, tầng 4 và 5 là các lớp học ngoại khóa và khu hành chính; trong khi đó, mái có chức năng như một nông trại.


Tiểu cảnh tầng trệt trường học

Bố cục mặt bằng linh hoạt

Các đơn nguyên lớp học là tế bào cấu thành trường học, là nơi học tập và giao tiếp của học sinh. Do khí hậu cận nhiệt đới, các lớp học được nhóm thành cặp và xếp riêng lẻ để đảm bảo vấn đề thông gió cho công trình. Mỗi tầng có 12 lớp được chia làm 3 hàng và bao gồm 6 cặp đơn nguyên. Vách ngăn của các cặp đơn nguyên có thể linh hoạt đóng mở tùy theo nhu cầu giảng dạy.


Phối cảnh 6 cặp đơn nguyên tại mặt bằng tầng 3

Mặt bằng hình trống mang lại sự linh hoạt và tự do hơn so với mặt bằng chữ nhật truyền thống. Nó cũng phù hợp nhiều loại chủ đề học tập và giảng dạy khác nhau hơn. Các bức tường gấp khúc nhịp nhàng của đơn nguyên lớp học kết hợp với đường nét cong, mềm mại của sân trong tạo thành một không gian hoạt động tuyến tính; đồng thời, mở ra một khu vực tập trung nửa kín, nửa hở đầy năng động cho trẻ.


Cặp đơn nguyên gồm hai lớp học


Tiểu cảnh hành lang – không gian hoạt động tuyến tính


Đội ngũ thiết kế đã giữ lại và tận dụng các chênh lệch cao độ giữa phía Bắc và phía Nam để tạo ra một con dốc. Mục đích nhằm kết nối ba dãy lớp học trên mỗi tầng và tạo ra một trải nghiệm địa hình cho học sinh. Cuối cùng, mỗi sân trong được thiết kế hai chiếc cầu thép. Bắc qua “thung lũng”, chúng nối các tầng dạy học khác nhau, càng làm tăng trải nghiệm quan sát và vui chơi.

Sân trong trường học với những đường nét mềm mại
Cầu bắc qua sân trong nối các tầng khác nhau của công trình
 

Các sân trong, hệ thống sân vườn, tổ chức mặt bằng thoáng và sự kết nối cao độ sinh động là các giải pháp thiết kế đối phó với tình trạng mật độ đô thị cao và khí hậu cận nhiệt đới miền Nam. Không những thế, thông qua kết quả và quá trình xây dựng trường Tiểu học Thực nghiệm Hồng Lĩnh, đội ngũ kiến trúc sư hy vọng tạo ra một mô hình thiết kế không gian mới, hiệu quả hơn cho các công trình công cộng tại thành phố Thâm Quyến.

Kết hợp trồng cây tạo không gian trường học thân thiện