Đặc điểm của 8 quẻ trong Kinh Dịch
Thành phần hợp thành của quẻ
Vạch liền là Dương, được coi là thành phần sáng tạo, tích cực. Vạch đứt là Âm, là thành phần tiếp thụ, thụ động. Mỗi một vạch (liền hoặc đứt) là một hào. Các thành phần này được biểu diễn trong một biểu tượng hình tròn chung (☯), được biết đến như Thái Cực đồ (☯) (太極圖 taijitu), nhưng nói chung người ta gọi tắt là đồ Âm-Dương (陰陽 yin-yang), miêu tả quan hệ giữa hai trạng thái của mọi thay đổi, chuyển dịch: khi Dương đạt tới cực đỉnh thì Âm bắt đầu phát sinh và ngược lại. Thái Cực đồ cũng là nguyên lý phát sinh Âm-Dương.
Vô Cực sinh Thái Cực
Thái Cực sinh Lưỡng Nghi
Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng
Tứ Tượng sinh Bát Quái
Bát Quái sinh vô lượng
Trong đó:
- Vô Cực tương đương trong Lão giáo là Vô Vi – có thể coi là hư vô; không có gì thuộc về vật chất, có thể tạm coi như trạng thái trước khi xảy ra vụ nổ lớn Big Bang trong khoa học phương Tây??
- Thái Cực có thể tạm coi như trạng thái tại thời điểm xảy ra vụ nổ lớn Big Bang trong khoa học phương Tây.
- Lưỡng Nghi là hai thành phần Âm và Dương.
- Tứ Tượng là Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm.
Có tám quái (quẻ) hay bát quái (八卦 bāguà) tạo thành do tổ hợp chập ba của Âm và/hoặc Dương:
1. Quẻ Càn: Sự sáng tạo
Quẻ Càn gồm có 3 hào Dương (3 vạch liền). Đây là 3 quẻ có liên quan đến lãnh tụ, người cha và trưởng nam. Quẻ Càn tượng trưng cho trời, cho nghị lực và sự bền bỉ. Càn thuộc đại Kim, hướng Tây Bắc, số 6.
2. Quẻ Khôn: Sự tiếp nhận
Quẻ Khôn gồm 3 hào Âm (3 vạch đứt). Quẻ Khôn liên quan đến người mẹ, trưởng nữ, hành Thổ, hướng Tây Nam, số 2. Quẻ Khôn tượng trưng cho sự bổ sung toàn vẹn cho quẻ Càn. Theo Kinh Dịch, Khôn phải được Càn hướng dẫn và kích hoạt mới có thể phát huy khả năng đến mức tối đa.
3. Quẻ Chấn: Sự tăng trưởng
Quẻ Chấn gồm 2 hào Âm trên 1 hào Dương. Quẻ Chấn liên quan đến con trai cả. Chấn là sấm và cũng là biểu tượng của rồng, từ dưới sâu bay vút lên bầu trời bão tố. Vì vậy, hào Dương mạnh mẽ từ bên dưới đẩy vụt qua 2 hào Âm. Chấn thuộc hành Mộc, hướng Đông, số 3.
4. Quẻ Tốn: Sự dịu dàng
Quẻ Tốn gồm 2 hào Dương trên 1 hào Âm (2 vạch liền trên 1 vạch đứt). Quẻ Tốn tượng trưng cho con gái cả và sự sâu sắc. Quẻ Tốn thuộc hành Mộc, màu nâu hoặc xanh lá cây, hướng Đông Nam, số 4.
5. Quẻ Cấn: Núi
Quẻ Cấn tượng trưng cho sự tĩnh lặng, cho sự chờ đợi và cho tình trạng cô đơn. Quẻ Cấn gồm 1 hào Dương trên 2 hào Âm (1 vạch liền trên 2 vạch đứt). Quẻ Cấn tượng trưng cho con trai út, hành Thổ, hướng Đông Bắc, số 8.
6. Quẻ Khảm: Sâu thẳm
Gồm 1 hào Dương ở giữa 2 hào Âm (1 vạch liền ở giữa 2 vạch đứt). Khảm tượng trưng cho con trai giữa, hành Thủy, hướng Bắc, số 1. Khảm chỉ sự khó nhọc, gian khổ. Quẻ này không được xem là quẻ của sự vui vẻ, hạnh phúc.
7. Quẻ Đoài: Niềm vui
Quẻ Đoài gồm 1 hào Âm trên 2 hào Dương (1 vạch đứt trên 2 vạch liền). Quẻ Đoài tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc, con gái út. Đoài cũng có nghĩa là ao, hồ và là miệng cười. Đoài chỉ vẻ ngoài yếu đuối, nhưng bên trong rất bướng bỉnh. Đoài thuộc hành Kim, hướng Tây, số 7.
8. Quẻ Ly: Sự bám giữ
Quẻ Ly gồm 1 hào Âm ở giữa 2 hào Dương (1 vạch đứt ở giữa 2 vạch liền). Quẻ Ly thuộc hành Hỏa, tượng trưng cho người con gái giữa. Ly cũng là mặt trời, sự sáng rực, sét, nóng và khô. Quẻ Ly hàm ý kiên cường, bên ngoài trông bất khuất, nhưng yếu đuối và trống rỗng bên trong. Quẻ Ly thuộc hướng Nam, số 9.