Cổng tam quan đình Bình Thủy

Đình Bình Thủy hay Long Tuyền Cổ Miếu là niềm tự hào về truyền thống văn hóa tín ngưỡng của vùng đất, con người Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam bộ vào thế kỷ 19. Trải qua quảng thời gian thăng trầm lịch sử, Đình Bình Thủy vẫn lưu giữ được nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của một làng cổ tại vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam Bộ

Đình Bình Thủy tọa lạc tại đường Lê Hồng Phong, thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng chừng 5 km. Từ trung tâm Tp.Cần Thơ bạn đi theo đường Nguyễn Trãi qua đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong là sẽ tới đình Bình Thủy.


Đình Bình Thủy là niềm tự hào về truyền thống văn hóa tín ngưỡng của Cần Thơ

Bao bọc xung quanh Đình Bình Thủy là hàng rào tứ giác gồm: mặt Bắc giáp bờ sông Hậu; mặt Đông là rạch Bình Thủy hay còn gọi là rạch Long Tuyền; mặt Nam là đường Lê Hồng Phong thông với các đường lớn khác như đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Bùi Hữu Nghĩa … và mặt Tây là khu dân cư. Với vị trí này có thể thấy, Đình Bình Thủy là công trình hội tụ đầy đủ các yếu tố phong thủy “nhất cận giang, nhị cận quan, tam cận thị”.


Đình Bình Thủy là công trình hội tụ đầy đủ các yếu tố phong thủy “nhất cận giang, nhị cận quan, tam cận thị”
 

Đình Bình Thủy được xây dựng vào năm 1844 trên một khu đất rộng có diện tích khoảng hơn 500.000m2 và đến năm 1852 thì được vua Tự Đức phong sắc. Phía ngoài có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.

Trong khuôn viên Đình gồm 2 khu vực gồm khu đình chính và lục ấp. Khu đình chính bao gồm năm ngôi nhà (tiền đình, chính điện) và khu “lục ấp” gồm một khu nhà để chuẩn bị đồ lễ cùng với một nhà hát đươc bố trí khoa học và ngăn nắp tạo nên một không gian thoáng đãng. Đình Bình Thủy trước kia không chỉ là nơi thờ cúng trang nghiêm mà còn là nơi dành cho các chức sắc trong làng hội họp để bàn việc nước, tập trung nhân dân chống giặc ngoại xâm.


Chính điện của Đình Bình Thủy

Kiến trúc chính của đình có rất nhiều nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ mà các đình ở miền Bắc không có như tiền đình và chính điện theo hình vuông với chiều dài có 6 hàng cột mà mỗi hàng cột như thế có 6 cột các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc. Các họa tiết điển hình được khắc trên các cột  là hình rồng, hình hoa mẫu đơn… với đường nét trạm trổ, trau chuốt, tinh xảo tạo nên vẻ uy nghi, cổ kính cho ngôi đình.


Vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi đình
 

Chánh điện có ba mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc mỗi khu đều được thiết kế cặp rồng uốn lượn tranh lấy trái châu hay đơn giản chỉ là những hình hoa văn trang trí bên ngoài nhưng mang ấn tượng mạnh.

Cặp rồng uốn lượn tranh lấy trái châu

Kiến trúc của đình không chỉ thể hiện nét tinh túy của văn hóa sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn mang đậm dấu ấn của làng cổ truyền thống Cần Thơ.

Kiến trúc của đình đặc trưng của miền Tây Nam Bộ

Việc bố trí các bàn thờ trong đình với cách thờ thần khá đa dạng và phong phú đã phản ánh văn hóa, đồng thời cũng phần nào giới thiệu tính phóng khoáng, cởi mở, lòng bao dung đón nhận mọi tinh hoa theo không gian và thời gian.

Ngoài việc thờ các vị thần linh,thần hoàng làng, các vị  tiền hiền có công mở đất, … Đình Bình Thủy còn lập bàn thờ những vị anh hùng có công với đất nước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Võ Huy Tập, Đinh Công Trứ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, … Đặc biệt sau ngày giải phóng đất nước 30 tháng 4 năm 1975, đình Bình Thủy lập bàn thờ để thờ và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gian thờ của Đình Bình Thủy

Thường niên, Đình Bình Thủy diễn ra hai lễ lớn là Lễ hội Kỳ yên Thượng Điền kéo dài trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng tư âm lịch, có rước thuyền, hát bội… và lễ Hạ điền vào hai ngày 14 và 15 tháng chạp, chuẩn bị đón năm mới. Đây là một lễ hội văn hóa thu hút người dân khắp nơi tham gia, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang.

Lễ hội Kỳ yên Thượng Điền Đình Bình Thủy

Trong những ngày diễn ra lễ Thượng điền và lễ Hạ điền ở đình Bình Thủy, du khách phương xa dự lễ hội đình làng sẽ được xem các nghệ thuật diễn xướng dân gian. Tham gia các trò chơi, khám phá tìm hiểu văn hóa và thưởng thức nhiều món ngon ẩm thực thành phố Cần Thơ.

Đình Bình Thủy là một trong số ít các ngôi đình được chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Không chỉ là nơi thờ cúng, tổ chức lễ hội, đây còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đại diện cho một nét văn hóa của vùng sông nước Nam bộ, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của nhân dân Bình Thủy.

Vì thế, khi đã chọn du lịch Miền Tây, đến thăm miền sông nước phù sa, bạn hãy đến Cần Thơ, thưởng ngoạn vẻ đẹp bình yên của Đình Bình Thủy, tham gia hội đình Bình Thủy truyền thống, để có những trải nghiệm tuyệt vời cùng những người dân mộc mạc chân chất và hiếu khách. Sau khi đến Đình Bình Thủy bạn có thể kết hợp tham quan với các địa danh nổi tiếng khác của Quận Bình Thủy như:  Nhà Cổ Bình Thủy, Chùa Long Quang, Chùa Hội Linh, Chùa Nam Nhã, Mộ Thủ khoa Bùi Hữu, Khu Di tích Vườn Mận…