Kiến trúc tháp trong ngôi chùa miền Bắc Việt Nam
Theo dòng thời gian, từ những am thờ phật nhỏ đến những Chùa Tháp quy mô, bề thế, kiến trúc ngôi Chùa Tháp trở thành 1 trong những loại hình kiến trúc truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc của Việt nam.
Nếu như Chùa là loại hình kiến trúc phát triển theo phương ngang thì Tháp là loại hình kiến trúc gây ấn tượng, phát triển theo chiều đứng, bài viết này muốn nói về loại hình kiến trúc độc đáo này – kiến trúc Tháp. Trong phạm vi bài báo, xin được đề cập đến quá trình hình thành và kiến trúc ngôi Tháp trong ngôi chùa miền Bắc Việt nam.
1. Đặt vấn đề
Tháp là loại hình kiến trúc độc đáo mà ta có thể thấy xuất hiện trong bất cứ trong một quần thể kiến trúc Chùa nào.Tháp đã có một nguồn gốc lịch sử lâu dài, trải qua một quá trình phát triển lâu dài và phong phú, từ Ấn độ, Sri Lanka, Thái lan, Myanmar, Campuchia cho đến Việt nam, tại mỗi nơi, kiến trúc tháp đều có một đặc điểm riêng biệt,đã được địa phương hóa theo quan niệm của Phật giáo tại từng quốc gia. Đã có 1 số nghiên cứu của các tác giả về Tháp trong ngôi chùa Việt thời Lý [1], thời Trần [2], Ngôi ChùaTháp Việt [3]…Tuy nhiên các nghiên cứu này thường tập trung về 1 giai đoạn phát triển nhất định của Tháp, chưa có sự tổng quan, nêu lên nguồn gốc, sự phát triển của Tháp, cũng như mối quan hệ của nó trong cấu trúc tổng thể của ngôi Chùa.
Hiện nay, việc xây dựng mới hay trùng tu tôn tạo các Tháp Chùa được phát triển mạnh mẽ ở Việt nam, như dự án phục dựng Tháp Tường Long thời Lý ở Hải Phòng, xây mới Tháp Báo Ân ởchùa Bằng (Hà Nội), bảo tháp Mandala (Vĩnh Phúc), bảo tháp Xá Lợi ở Thiền viện Trúc Lâm (Đà lạt). Tuy nhiên hình thức kiến trúc của các loại Tháp này lại rất khác nhau, thậm chí là trái ngược về chiều cao, số tầng, hình dạng mặt bằng, vị trí trong tổng thể chùa… Do đó, một nghiên cứu về loại hình kiến trúc Tháp rất cần thiết trong công tác bảo tồn, trùng tu, phục dựng hay xây mới là cần thiết, đặc biệt là với một dạng công trình mang đậm yếu tố tôn giáo văn hóa.
Bài viết đề cập đến lịch sử hình thành, cấu trúc ngôi Tháp và sự biến đổi trong quần thể kiến trúc Chùa – Tháp. Từ đó, góp phần có một cái nhìn tổng quan về ngôi Tháp và cấu trúc về cấu trúc của một ngôi Chùa – Tháp.
2. Khái niệm, nguồn gốc, phân loại Tháp
2.1 Khái niệm Tháp
Tháp Phật có nguồn gốc từ Phạn ngữ stupa, bắt nguồn từ ngôi mộ táng dành cho những tu sĩ khổ hạnh ở Ấn Độ cổ đại. Tháp Phật trong tiếng Anh là stupa, Nepal là chaitya, Tây Tạng là chorten, Sri Lanka là dagoba, Thái Lan là chedi, Việt là tháp, Lào là thâat, Nhật Bản là to, Hán Việt là ta, Đại Hàn là t’ap, Nam Dương là candi hay chandi… Chữ stupa du nhập vào Phật giáo thành tappa rồi thành tap [4]. Trong Phật Học Từ điển của Đoàn Trung có viết “Tháp…là toà cao, nhiều tầng, dưới lớn trên nhỏ, để thờ xá lỵ (tro cốt) của chư Phật hoặc của các nhà thành Đạo: Bồ tát, Duyên Giác,La Hán hoăc để chôn di cốt của các vị thượng toạ các ngôi chùa” [5]. Theo Eric Stratton, Tháp là nơi chứa di cốt của những cá nhân có liên quan hoặc đóng vai trò quan trọng với Phật giáo và việc tương tác cũng như duy trì nền tảng văn hóa của tôn giáo này [6].
Vậy Tháp là loại công trình tưởng niệm, được xây dựng để chứa, để thờ Xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các vị Đại Đệ Tử, những đạo sư và bậc thánh nhân Phật giáo. Tháp cũng được xây dựng để đặt lên trên ngôi mộ các nhà sư gọi là tháp mộ.
2.2 Nguồn gốc của Tháp
Thápnguyên thủy có dạng vòm bán cầu, sau đó được du nhập vào kiến trúc Phật giáo để thờ tự và chôn cất Xá lợi của Đức Phật sau khi nhập niết bàn. Hình thức này được cho là ảnh hưởng với hình ảnh ngọn núi linh thiêng như núi thần Meru của đạo Hindu [6]. Trong khi đó, các kiến trúc thờ cúng của đạo Hindu có cấu trúc hình học đồng dạng, nhấn mạnh trục trung tâm để thể hiện quan điểm vạn vật tương liên. Từ đó, ý nghĩa và thuộc tính hình học này được thừa hưởng và vận dụng trong đạo Phật thông qua stupa nguyên thủy [6].
Tương truyền, sau khi Đức Phật Thích Ca viên tịch năm 480 trước CN, xá lợi của ngài có 84.000 viên được lưu giữ thờ cúng trong 8 bảo tháp ở các giao lộ ngã tư. Vào thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên, vua Asoka đã cho mở 7 bảo tháp và xây 84.000 ngôi bảo tháp để chứa xá lợi của Phật trên lãnh thổ của ông. Tháp đầu tiên được biết đến là các stupatại cụm di tích Sanchi với hình bán cầu vòm. Từ chức năng để thờ Xá lợi Phật, các Stupa dần trở thành những thánh tích thiêng liêng để Phật tử tôn thờ, tưởng nhớ đến Phật và trở thành một trong số những kiến trúc Phật giáo đầu tiêncó liên quan đến việc hành lễ, có thể nói stupa chính là ngôi chùa nguyên thủy [7]. Cùng với sự phát triển của Phật giáo, Stupa đã trở thành những kiến trúc Tháp độc đáo theo những vùng miền mà Phật giáo truyền bá, nó trở thành những biểu tượng của lòng tin vô bờ vào Đức Phật và những chứng tích lịch sử vô giá của Kiến trúc Phật giáo (Hình 1).
Hình 1. Sự biến đổi hình dáng tháp theo thời gian và qua các quốc gia
2.3 Phân loại Tháp
Căn cứ vào hình dạng kiến trúc, ta có thể chia là 2 loại tháp khác nhau tháp Stupa và tháp Pagoda:
– Tháp Stupa và những biến thể của nó như Chorten ở Tây tạng, xuất hiện ở Ấn Độ và một số nước như Myanma, Thái Lan, Sri Lanka, thì kiến trúc phát triển theo chiều cao, có dạng hình vòm bán cầu hay bát úp nhưng bên trong là cấu trúc đặc giống loại hình kim tự tháp – Tháp Pagoda thường xuất hiện ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật có dạng chủ yếu là tháp có chiều cao lớn, mái phân nhiều tầng, có dạng chóp nón thu nhỏ dần theo chiều cao, mặt bằng đa giác đều, có không gian rỗng bên trong chứ không phải là cấu trúc đặc [5].
Ở Việt Nam hiện nay tồn tại cả loại tháp Pagoda và tháp Stupa. Loại tháp Pagodachủ yếu trong các chùa Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) ở miền bắc, trong khi loại Stupa xuất hiện ở miền mam ở các chùa liên quan đến Phật giáo Nguyên thủy hoặc Tiểu thừa (Hīnayāna)
3. Sự phát triển của Tháp (Pagoda) qua các thời kỳ ở Việt nam.
3.1 Kiến trúc Tháp từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 10
Với đặc điểm địa lý và lịch sử, Việt nam bị ảnh hưởng bởi 2 luồng văn hóa Ấn độ và Trung quốc. Phật giáo Đại thừa theo chân người Trung quốc vào miền Bắc Việt nam, trong khi Phật giáo Nguyên thủy truyền qua các nước Đông Nam Á vào lãnh thổ của Champa, Phù Nam lúc đó. Trung tâm Phật giáo sớm nhấtở Việt nam lúc đó mà còn để lại dấu tíchhiện nay là vùng Luy lâu, nay là Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Sử chép ngôi chùa Dâu được xây dựng năm năm 187. Sư Đàm Thiên thế kỉ 6 từng miêu tả “Luy lâu có đến hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được hơn 500 chư tăng” [8]. Qua đó có thể thấy kiến trúc Tháp đã phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc đánh dấu và nhận dạng kiến trúc chùa tại Việt nam từ thời kì đâu. Rất tiếc, chùa Tháp Phật thời này không còn có dấu vết gì hiện nay. Giữa thế kỷ thứ 6, Lí nam Đế đã giành độc lập cho Việt nam, đã cho xây dựng chùa Khai quốc, sau đổi tên là Trấn quốc nằm ngoài đê sông Hồng, Hà Nội, nhưng chưa có tài liệu nào đề cập đến việc xây dựng Tháp ở thời điểm này.
Đến cuối thế kỷ thứ 6 vào thời nhà Tùy (581-618) ở Trung quốc, Phật giáo đã rất phát triển và có nhiều nhà sư đã đến Việt Nam để truyền bá đạo Phật. Giai đoạn này nhiều ngôi Chùa Tháp được xây ở Việt Nam. Tùy Văn Đế đã sai sứ đem các hòm Xá lị đến Việt nam để xây Tháp. Nhà sư Pháp Hiền đã chia cho chùa Dâu, cùng các chùa kháctrong nước để xây Tháp trong khoảng năm 601 – 604. Điều này được minh chứng trong văn bia tại chùa Dâu nói về việc xây Tháp Hòa Phong trước đây: “Nước Việt ta thời vua Tùy Cao đế dốc tâm nơi cửa Phật, sùng mộ người áo nâu, khiến sứ giả đem hòm xá lị ủy cho lệnh sử họ Lưu kén đất Giao Châu xây cốt. Thời đó có đại sư Pháp Hiền nói rằng đây thực là chốn đại danh lam, bèn xây tháp ở nơi trong phụng thờ một hòm xá lị trấn truyền mãi mãi…” [4]. Bên cạnh đó, đã tìm thấy dấu vết của 1 ngôi Tháp Nhạn, Nghệ An, được cho là xây ở thời Tùy Đường. Tháp này xây bằng gạch, đã bị đổ, chỉ còn lại phần chân tháp hình gần vuông 9,6x9m, tìm thấy nhiều viên gạch, đặc biệt nhất là có viên gạch có phù điêu 3 vị Phật ngồi trên tòa sen, trên đầu có vòng hào quang, tay đặt theo thế ấn thiền định. Các nhà khảo cổ tìm thấymột chiếc hộp nhiều lớp được cho làđựng Xá lị. Sự tồn tại của một tháp Xá lị ở cách Hà Nội 300 km cho thấy kiến trúc Chùa Tháp đã rất phát triển ở giai đoạn này. Đến thời Đinh – Lê, sử sách chép có chùa Tháp với tháp Báo thiên ở sông Hoàng Long, nay chỉ còn nền tích [4].
Mặc dù không còn nhiều tài liệu hoặc công trình, nhưng căn cứ theo những di tích ở trên, có thể thấy trong khoảng 10 thế kỷ đầu, kiến trúc tháp đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Và bảo tháp, với vai trò linh thiêng về tôn giáo, được coi là trung tâm của bố cục ngôi chùa, từ đó các công trình khác như nhà tịnh xá liên kết với nhau tạo nên 1 hình thái bao quanh ngôi chùa. Tính tập trung trung tâm hình học được thể hiện rất rõ.
3.2 Kiến trúc Tháp thời Lý(1010-1225)
Sau khi nhà Lý nắm quyền, Lý Thái Tổ đã rời kinh đô từ Hoa lư về Thăng Long. Đây là giai đoạn thịnh đạt của Phật giáo với việc xây dựng chùa tháp “vô tiền khoáng hậu” với đặc điểm kiến trúc chùa và tháp đồ sộ và đặc sắc [8]. Tổng mặt bằng Chùa Tháp được tạo thành các cấp độ khác nhau.Mặt bằng chùa thường có dạng hình vuông với 4 cửa đông tây nam bắc như chùa Lạng – Hưng Yên hay chùa Bách môn – Bắc Ninh. Có thể nói, mặt bằng hình vuông hoặc gần vuông được xem như sự kết hợp giữa chùa với tháp đã có từ thời Bắc thuộc, tiếp tục phát triển vào đầu thời Lý.Trong các ngôi chùa thời Lý thường có ngôi Tháp cao nhiều tầng với qui mô hoành tráng được sử sách ghi lại. Có thể kể ra các ngọn tháp nổi tiếng như tháp Phật tích (Hình 2), chùa Phật tích, Bắc Ninh có cạnh đáy kích thước 8.5m, cao khoảng 42m.Trong đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1057, Lý Thánh Tông cho xây dựng một cây tháp cao hơn 10 trượng, trong chứa pho tượng Phật mình vàng cao 6 xích”. Chân cây tháp cổvuông lòng rỗng, tường tháp bao quanh rộng trung bình 2,4m.
Hình 2. Mặt cắt qua chùa Phật tích, vị trí tháp ngay sau chùa và trước khu vườn tháp mộ
Tháp Tường Long, Đồ sơn, Hải Phòng (Hình 3) cao khoảng 45m, có 9 tầng (có tài liệu nói 13 tầng), cửa mở hướng Tây.Tháp hình vuông cạnh 7,95m, bề dày tường xung quanh lòng tháp là 2,50m, móng tháp xây giật 3 cấp.Lòng tháp hình vuông, rỗng có diện tích khoảng 9m2, bên trong đặt pho tượng đá Adiđà .Công trình được xây bằng gạch và đá.Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh, rồng phượng cuộn trong lá Bồ đề. Tháp Vạn Phong Thành Thiện ở núi Chương Sơn, Nam Định vết tích chân móng tháp cổ hình vuông hiện còn mỗi bề rộng khoảng 19m, độ cao áng chừng khoảng 60-90m. Đá xây tháp được liên kết với nhau bằng cá chì (đục lỗ mộng, đổ chì nấu lỏng vào) hoặc khoan lỗ rồi dùng dây đồng xâu lại thắt chặt. Phần lớn bộ phận kiến trúc bằng đá như đố dọc, mí cửa, bệ cửa cuốn, thành bậc, chân cột… đều được phủ kín bằng trang trí thời Lý: rồng, phượng, tượng đầu người mình chim. Tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi, Hà, cao 13 tầng, có 40 cửa mở 4 hướng để đón gió mát. Tháp Báo thiên, Hà Nội, cao khoảng 80m gồm 12 tầng với đỉnh tháp bằng đồng. Rất tiếc, các ngọn tháp trên đã bị phá hoạt do thăng trầm lịch sử. Bên cạnh đó, ta có thể thấy được hình ảnh của tháp chùa đời Lý được miêu tả qua các hiện vật khai quật ở Hoàng thành Thăng long (Hình 4, 5). Theo đó phần tháp được chia làm 3 phần: đế, thân, và đỉnh (Hình 5 ). Phần đế (bệ tháp) gồm một nền 3 tầng phía trên là hình hoa sen 2 lớp 1 lớp hướng xuống dưới, 1 lớp hướng lên trên ôm lấy thân Tháp. Phần thân tháp phân tầng bằng các mái cong nhỏ lợp ngói ống nhô ra, trên đầu 4 góc mái cong đều treo chuông. Dưới mái tường có những chạc đấu nhô ra để làm bệ cho những mẫu điêu khắc: hoa văn, motif hình tượng lá đề, chim thần (garuda)… Chính giữa các mặt ở mỗi tầng đều trổ các các cửa. Xung quanh các tầng có lan canbao quanh. Phần đỉnh tháp thường búp, nhọn, giống như chiếc ô có nhiều lọng. Căn cứ vào viên gạch xây dựng tháp (Hình 5) có thể thấy trang trí tháp cầu kỳ, chạm khắc tinh xảo, đường nét mềm mại, uốn lượn.
Mô hình tháp thời Lý
Hình 5. Mô hình tháp trên Gạch xây tháp khai quật tại Hoàng thành
Dựa vào các thông tin ở trên, có thể đưa ra những đặc điểm chung của các Tháp thời Lý như sau: Ngọn tháp thường ở vị trí trung tâm của bố cục ngôi chùa. Với chiều cao cực lớn của mình, ngọn tháp đóng vai trò là kiến trúc chính, trọng điểm cho toàn bộ cảnh quan của chùa, mang tính biểu tượng cho sự kết nối giữa con người và cõi thiêng. Ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ còn rất rõ với bố cục trung tâm.
– Về công năng, do kích thước mặt bằng lớn và có tượng Phật trong lòng tháp, nên đâylà nơi thờ Phật. Tháp là chùa, và chùa là tháp. Tháp còn chứa Xá lợi, không phải mộ của các nhà sư. Mặt bằng tháp thường là hình vuông, thống nhất với bố cục trung tâm của chùa và nhấn mạnh tính chất biểu tượng của ngọn tháp. Hình vuông thể hiện số 4 của đạo Phật với khổ, tập, diệt, đạo. Có thể do ảnh hưởng của quan niệm trước đây là trời tròn đất vuông, 4 góc neo giữ 4 phương, lắng nghe nỗi khổ của dân gian.
– Quy mô tháp lớn, đồ sộ, nhiều tầng, các tầng tháp tiệm biến, thu nhỏ dần các tầng về phía trên, không có sự đột biến về hình thức .Điều này cũng phù hợp với cấu trúc giật cấp, nhấn mạnh tính trung tâm của tháp. Tường tháp xây rất dày có thể để chịu lực. Vật liệu xây dựng bằng đá, gạch vớichất kết dính là đất sét nhuyễn, mạch rất nhỏ, gia cố nền móng bằng đất sét và sỏi.
3.3 Kiến trúc Tháp thời Trần (1225 – 1400)
Dưới thời Trần, Phật giáo tiếp tục phát triển rực rỡ, song song và dung hòa với Nho giáo. Kiến trúc Tháp thời Trần là một sự tiếp nối kiến trúc Tháp thời Lý, tuy nhiên quy mô, độ cao nhỏ hơn.Tháp không còn chức năng thờ Phật hoặc đóng vai trò trung tâm của chùa như thời Lý. Bên cạnh đó, tháp đời Trần được kết hợp làm mộ của các sư tăng, như các tháp của vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang (Trúc Lâm tam tổ) ở quần thể chùa chiền núi Yên Tử.
Một số các tháp nổi tiếng thời kì này có thể kể ra như tháp Phổ Minh,chùa Phổ Minh xây dựng năm 1305 – 1310(Nam Định) (Hình 7, 8, 9). Tuy không đóng vai trò trung tâm của bố cục kiến trúc, nhưng tháp vẫn được đặt ngay trên trục tổ hợp chính của tổng mặt bằng chùa. Hiện trạng tháp được bảo quản khá tốt với 14 tầng, cao 20m. Tầng 1 xây bằng đá cao hơn hẳn các tầng khácvà là hình ảnh của một cỗ kiệu, 13 tầng trên xây bằng gạch mộc và thu nhỏ dần đều. Tầng 1 đặt trên bệ đá có 2 lớp cánh sen, một lớp chúc xuống, một lớp ngửa lên đỡ tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5m. Bệ và tầng 1 có chạm trên mặt đá hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho trang trí thời Trần, mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng. Tầng thứ 11 là nơi đặt hòm xá lỵ của vua Trần Nhân Tông. Tầng nào cũng trổ cửa vòm cuốn chính giữa 4 mặt, giữa các tầng là gờ mái.Tháp Bình Sơn,chùa Vĩnh Khánh, (Vĩnh Phúc) (Hình 9) do Trần Thánh Tôn xây dựng. Trước đây tháp có 15 tầng, nay còn 11 tầng, cao 16,5m, cạnh đáy 4.45m, cạnh tầng 11 là 1.15m, lòng tháp rỗng chạy suốt 11 tầng. Năm 1313 vua Trần Anh Tông cho tu sửa lại chùa Dâu (Thuận Thành), xây tháp cao 9 tầng.
Hình 8. Mặt bằng tổng thể chùa Phổ Minh
Hình 7. Mặt đứng tháp Phổ Minh
Hình 9. Tháp Bình sơn, chùa Vĩnh Khánh
Do mất vai trò trung tâm, tháp thời Trần giờ không còn là cấu trúc Tháp – Chùa nữa mà chỉ là kiến trúc đứng độc lập trong tổng thể chùa. Kiến trúc chùa cũng biến đổi từ nhấn mạnh theo chiều cao, chuyển sang trải dài theo chiều ngang (Hình 10). Có sự phân chia rõ rệt giữa chức năng thờ Phật và chứa xá lợi của tháp vì tháp thời Trần chủ yếu là để chứa Xá lợi hoặc mộ của các cao tăng. Lòng tháp nhỏ hẹp, không còn không gian thờ Phật, mặc dù có đặt tượng trong lòng tháp. Chức năng điện thờ Phật kết hợp với tịnh xá để trở thành chùa, phát triển theo chiều ngang dưới mặt đất. Quy mô của tháp cũng nhỏ hơn, không còn các tháp có chiều cao đồ sộ như thời Lý. Mặt bằng tháp thường là các hình đa giác đều như vuông, lục giác, bát giác. Về hình dáng bên ngoài, tháp đời Trần có cấu trúc cơ bản cũng như tháp thời Lý, được chia làm 3 phần: đế, thân, đỉnh với hình dáng tiệm biến nhỏ dần. Trong đó phần đế (bệ tháp) thường gồm một nền 3 tầng giật cấp lớn, mỗi cấp lại được giật nhiều cấp nhỏ. Chiều cao phần bệ tháp so với tổng thể tháp cao hơn chiều cao bệ phần tháp đời Lý. Phần thân tháp có mái phân tầng thường hẹp và độ chìa ra ít hơn so với Tháp thời Lý. Mái đua ra nhờ các gờ gạch giật cấp dần. Chính giữa các mặt ở mỗi tầng đều trổ các các cửa, nhưng thường là cửa giả – cửa tượng trưng, chỉ có tầng 1 đến tầng 2 là thật. Chiều cao của tầng 1 thường cao hơn hẳn các tầng còn lại. Phần đỉnh tháp thường là một khối tròn vút nhọn như hình quả bầu.
Về trang trí tháp thời Trần đơn giản hơn rất nhiều so với trang trí thời Lý, đường nét đơn giản, khỏe khoắn nhưng chạm khắc tinh xảo, ít trang trí rườm rà.
Về vât liệu tháp dùng kết hợp đá và gạch, hoặc làm bằng đất nung. Các chất liệu như đá xanh được sử dụng làm bệ dưới tạo vẻ đẹp, và tăng độ bền vững cho công trình. Vật liệu được sử dụng ở các tầng trên là gạch nung mỏng, nhẹ. Các loại gạch vuông 22cm x 22cm, loại 45cm x 22cm được sử dụng để xây lõi tháp Bình Sơn, gạch trang trí bên ngoài có kích thước 46cm x 46cm và những viên gạch hình Thước Thợ (L) để tăng sự chắc chắn cho lớp gạch bên ngoài. Một số Hồ lô trên đỉnh tháp bằng đồng (giờ đã mất), các dây đồng được sử dụng ràng buộc các kết cấu với nhau. Kỹ thuật xây thápdùng sức nặng tự thân để tạo sự cân bằng của các tháp, chất kết dính là chất keo vữa và mộng. Ở các tầng gạch phía dưới, người xưa còn dùng các dây đồng xâu móc qua viên gạch để tăng độ liên kết kiến trúc.
3.4 Kiến trúc Tháp thời Lê – Mạc (1428 – 1788)
Nhà nước phong kiến Lê Sơ được thành lập trong bối cảnh nền văn hóa bị hủy hoại nghiêm trọng, xã hội đầy rẫy những khó khăn.Sau khi thời gian quân Minh đô hộ, những công trình Phật giáo nổi tiếng một thời như chùa Long Đọi, tháp Chương Sơn… đều bị phá hủy. Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và là nền tảng để xây dựng mọi thể chế chính trị và xã hội. Chính vì vậy Phật giáo bị suy yếu, đến thế kỷ 15 thì mất vai trò chính trị và ý thức hệ triều đình, mà chỉ còn phát triển ở các làng quê. Đến thế kỷ 16, nội chiến giữa nhà Trịnh – Mạc, Trịnh – Nguyễn, dẫn đến xã hội mất ổn định, nhân dân tìm sự an ủi ở Phật giáo hoặc các phe phái ủng hộ Phật giáo.Vì thế Phật giáo lại phát triển trở lại, nhưngPhật giáo vẫn không có được vai trò và giá trị quan trọng như thời Lý – Trần. Từ thế kỷ 15 – 17 có một số chùa được xây dựng, nhưng các Tháp lớn không được xây dựng, chủ yếu là các tháp mộ.
Mặc dù thế kỷ 17 là thời kỳ xây dựng ồ ạt các chùa tháp có quy mô lớn ở Đàng ngoài do chúa Trịnh hay vương phi bảo trợ nhưng với quy mô và khối tích bé hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước. Những ngôi Tháp lớn được xây có thể kể đến như Tháp Bảo Nghiêm (Hình 11), Tháp Tôn Đức, Ni Chân, tháp Gỗ Cửu Phẩm Liên Hoa tại ở chùa Bút Tháp, hoặc Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa nữa ở các chùa Quỳnh Lâm, Yên tử, Phẩm,Giám.Tháp Hòa Phong chùa Dâu xây năm 1737 cao 17m (Hình 12).
3.5 Kiến trúc Tháp thời Tây sơn – Nguyễn
Khi triều Tây sơn được thành lập, Phật giáo tiếp tục phát triển, không hề bị cản trở. Một số chùa lớn được xây dựng như chùa Kim Liên, chùa Tây Phương nhưng kiến trúc Tháp thì không được xây dựng, chủ yếu là các tháp mộ. Đến triều đình nhà Nguyễn, mỗi vị vua lại có thái độ khác nhau với Phật giáo, tuy nhiên các ngôi chùa vẫn được xây dựng mới hoặc trùng tu. Các chùa miền Bắc vẫn được trùng tu, mở rộng.
Tại Thăng long, cây tháp cao mười tầng được xây dựng trước chùa Liên phái được xây dựng năm 1890 (Hình 13). Vì Thượng điện thờ Phật lúc này phát triển lớn, quy mô, Tháp chỉ còn chức năng chứa xá lợi, mà xá lợi thì chỉ có 1 số chùa mới có nên Tháp lúc này là phụ, nơi kỷ niệm, hay để kinh Phật nên trong cấu trúc Chùa Tháp, càng về sau chúng ta chủ yếu thấy hình thức tháp mộ.
Tháp chùa Liên Phái
Hình 12. Tháp Hòa phong, chùa Dâu
Hình 11. Tháp Bảo Nghiêm, chùa Bút tháp
Hình 14. Tháp chùa Bằng
4. Đề xuất một số nguyên tắc trùng tu, bảo tồn và xây mới Tháp
Đối với các tháp cổ cần được trùng tu, bảo tồn. Mục đích của trùng tu là làm lộ ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích, do đó trước hết phải lập hồ sơ nghiên cứu, vẽ ghi rõ hình dáng, tỉ lệ, số tầng, chiều cao cấu trúc tháp đặc rỗng, vật liệu sử dụng, vật liệu kết dính, hoa văn trang trí theo từng thời kỳ. Khi trùng tu phải tuân theo đúng nguyên tắc, không thêm bớt số tầng hay thêm bớt hoa văn, phải chế tạo được vật liệu giống hoặc tương tự về hình dáng. Tránh tình trạng đưa vật liệu quá mới vào trùng tu hay sau khi trùng tu xong lại thay đổi mất cấu trúc, tỷ lệ ngôi Tháp.
Đối với Tháp xây mới cần xác định rõ Tháp theo kiểu Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo đại thừa để chọn hình thức Tháp stupa hoặc pagoda. Bên cạnh đó phải xác đinh được chức năng Tháp để thờ Xá lợi hay tháp chuông, tháp mộ… để chọn hình thức thích hợp. Nếu Tháp Xá lợi phải xác định rõ là để thờ xá lợi của Phật tổ, hay Bồ tát, La hán, vị cao tăng đắc đạo… để xác định được số tầng theo quy định của Phật giáo. Hiện nay kiến trúc ngôi chùa đã rất phát triển ổn định nên tháp không còn là kiến trúc chủ đạo. Tuy nhiên với chiều cao nổi bật, vị trí tháp sẽ đóng vai trò như một điểm nhấn trong tổ hợp không gian. Ngoại trừ vị trí tháp mộ thường ở phía sau chùa, còn lại tháp Xá lị cần có sự gắn kết với trục hoặc tuyến trong bố cục tổ hợp của tổng thể chùa. Quy mô của tháp sẽ phụ thuộc vào quỹ đất của tổng thể ngôi chùa, cần có nghiên cứu phù hợp và tương xứng với bố cục tổng thể ngôi chùa. Hình thức trang trí nên tương đồng với niên đại, phong cách trang trí của ngôi chùa. Tùy quy mô, chiều cao tầng có thể lựa chọn nhiều vật liệu hiện đại cho phần kết cấu như BTCT, không nhất thiết phải bằng gạch, đá truyền thống. Tuy nhiên phần hoàn thiện bên ngoài nên tạo được vẻ cổ kính, cũng như màu sắc đúng với kiến trúc Chùa truyền thống Việt Nam như ngói, gạch trần, hay sơn giả gỗ.
Tháp là loại hình kiến trúc độc đáo về mặt tạo hình, nó có ý nghĩa, vị trí quan trọng, là yếu tố khởi nguồn trong kiến trúc Chùa Tháp. Do đó việc nghiên cứu kiến trúc Tháp rất quan trọng,nghiên cứu sẽ giúp cho chúng ta cái nhìn tổng quan về cấu trúc Chùa Tháp từ đó góp phần hữu ích vào công tác bảo tồn, trùng tu, phục dựng cũng như việc quy hoạch, tổ hợp trong xây dựng mới các công trình Chùa Tháp hiện nay.
5.Kết luận
– Bài viết chủ yếu đi sâu vào lược sử hình thành ngôi Tháp trong kiến trúc Chùa Tháp, giải thích về các khái niệm, chức năng của Tháp, các loại Tháp, cấu trúc Tháp, vật liệu xây dựng, lịch sử phát triển Tháp qua các thời kỳ ở Việt nam tạo nên một cái nhìn tổng quan về Tháp.
– Trên cơ sở đó đề xuất 1 số nguyên tắc bảo tồn, trùng tu cũng như xây dựng mới các ngôi Tháp hiện nay dựa vào các nội dung Loại tháp, chức năng Tháp, vị trí xây dựng Tháp, quy mô và mặt bằng Tháp, nghệ thuật trang trí dựa vào niên đại, Vật liệu…
– Một lần nữa xin nhấn mạnhTháp là loại hình kiến trúc độc đáo về mặt tạo hình, nó có ý nghĩa, vị trí quan trọng, là yếu tố khởi nguồn trong kiến trúc Chùa Tháp. Do đó việc nghiên cứu kiến trúc Tháp rất quan trọng, những nghiên cứu sẽ giúp cho chúng ta cái nhìn tổng quan về cấu trúc Chùa Tháp từ đó góp phần hữu ích vào công tác bảo tồn, trùng tu, phục dựng cũng như việc quy hoạch, tổ hợp trong xây dựng mới các công trình chùa Tháp hiện nay.