Những cây cầu bắc qua sông Hồng, có nhiều dáng vẻ, vị trí và lịch sử khác nhau: Long Biên, Chương Dương – hai cây cầu thép nằm ngay sát nội thành; rồi xa hơn chút phía thượng lưu là Thăng Long – cây cầu mang tình hữu nghị Việt – Xô. Đầu năm 2007, cầu Thanh Trì đã được khánh thành; và tiếp theo là cầu Vĩnh Tuy năm 2010, cầu Nhật Tân năm 2015 ghi dấu ấn tình hữu nghị Việt – Nhật… Quy hoạch tổng thể của Hà Nội trong tương lai nói chung và quy hoạch giao thông nói riêng, còn nhiều cây cầu nữa sẽ vươn mình qua dòng sông đỏ nặng phù sa… Nhưng có lẽ hỏi bất kỳ người dân Hà Nội nào về cây cầu tiêu biểu nhất, đẹp nhất, gắn bó và thân thuộc nhất – thì đó chính là Long Biên.

Cầu Long Biên đã trở thành quen thuộc và là một phần không thể thiếu của Hà Nội, bởi đó là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, và kể từ đó tới nay đã hơn một trăm năm trôi qua. Cầu được khởi công xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành năm 1902, nằm trong chương trình phát triển giao thông khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương. Từ khi ra đời, Long Biên đã được coi là biểu tượng của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc đầu thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, Long Biên là cây cầu thép thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, và là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ). 

 

Cầu Long Biên được thiết kế và thi công bởi hãng Daydé & Pillé (Paris, Pháp). Được thừa hưởng những tiến bộ kỹ thuật trong khoa học xây dựng đương thời ở châu Âu – đặc biệt là thể loại công trình kết cấu thép; Long Biên kế thừa được cả yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật của thể loại này. Ngoại trừ những mố cầu và trụ cầu bằng bê tông cắm xuống lòng sông, thì toàn bộ phần thân cầu được làm bằng thép, và các thanh thép liên kết với nhau bằng đinh tán. Hình thức kiến trúc và sơ đồ kết cấu rất hợp lý và khớp nhau để tạo nên một sức mạnh đủ vượt sông Hồng và một dáng hình trải dài nhấp nhô mà người ta đã ví von với rất nhiều hình ảnh đẹp: Cây cầu thân Rồng, dải lụa vắt qua sông Hồng hay tháp Eiffel nằm ngang trong lòng Hà Nội… Khi khánh thành, cầu được đặt tên là cầu Doumer, theo tên vị toàn quyền Đông Dương bấy giờ là Paul Doumer. Nhưng người dân Hà Nội vẫn gọi là cầu sông Cái, sông mẹ hay cầu Long Biên (thân Rồng). Cầu Long Biên dài 1682m, gồm 19 nhịp (các nhịp tuần tự cách nhau 75m rồi 106m). Cầu rộng 4,75 m dành cho xe lửa ở giữa, hai bên là hai lối đi cho khách bộ hành và ô tô rộng hơn 3m. Đầu cầu phía Tây (nội thành Hà Nội) có cầu dẫn bằng gạch dài 896m, cao 5m, với 125 vòm.

 

 

Mặc dù là một cây cầu lớn, có đường sắt, bắc qua sông lớn, nhưng Long Biên lại nằm ngay sát nội thành Hà Nội, kế bên khu phố cổ. Và điều đó đã được nhà thiết kế xử lý rất khéo léo bằng nhiều giải pháp như hệ đường dốc lên xuống hợp lý, ga đường sắt trên cao; hệ thống cầu sắt ở đường dẫn trên cao qua các tuyến phố… Cho tới giờ vị trí của Long Biên vẫn đắc địa về mặt giao thông, địa hình và cảnh quan đô thị. Long Biên có nhiều điểm nhìn đẹp từ hai đầu cầu, từ bờ sông, ngay cả trên cầu và dưới sông Hồng. Ở mỗi góc nhìn, mỗi thời điểm người ta có một cảm nhận khác nhau, cảm xúc khác nhau… Từ bãi giữa sông Hồng, từ Chương Dương… nhìn Long Biên thật mảnh mai với những thanh giằng rất dài. Nhưng ở dưới chân cầu, hay đi trên cầu lại thấy sự đồ sộ hùng vĩ với hệ kết cấu thép tầng tầng lớp lớp… Buổi sáng, Long Biên tấp nập rộn rã niềm vui của một ngày mới, buổi chiều tối cây cầu như chìm vào nỗi u hoài.

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là trọng điểm đánh phá của không lực Hoa Kỳ, là nơi hứng nhiều bom đạn nhất ở Hà Nội. Cầu đã nhiều lần bị trúng bom và có những nhịp cầu đã chìm sâu dưới đáy sông. Cây cầu bây giờ không còn nguyên vẹn nữa, những nhịp cầu nhấp nhô bị gián đoạn. Dẫu vậy, Long Biên vẫn giữ vai trò là tuyến giao thông quan trọng.

Về sau, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long được xây dựng thì cầu Long Biên được chia sẻ và cũng trở nên lặng lẽ hơn. Cầu chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ, trở thành cây cầu của những người nghèo, là bạn của những người dân lao động ngoại thành. Và từ bao giờ, ở Long Biên hình thành nên một không gian xã hội rất đặc thù, có thể đẹp một cách tự nhiên –  giản dị, và nhiều khi cũng đầy ám ảnh. Đó là hình ảnh những người lao động vội vã trên cầu trong nắng sớm, đó là một xóm chài lam lũ neo đậu dưới chân cầu, đó là mùa màng xanh ngắt ở bãi giữa, đó là bóng người đi về trong hoàng hôn… Cầu Long Biên như thể một xã hội, một Hà Nội thu nhỏ, chất chứa trong mình những vất vả nhọc nhằn qua năm tháng. Cầu là nơi đi về, cầu là nơi mua bán, cầu là nơi người già tập thể dục, là nơi những đứa trẻ chơi đùa trò sông nước… Cầu là nơi hóng mát, tâm tình hò hẹn; cầu cũng là chốn cưu mang cho nhiều số phận bất hạnh vô gia cư.
 

 

Hơn một trăm năm qua, Long Biên đã soi bóng xuống sông Hồng và gắn bó với bao thăng trầm của Hà Nội, trở thành nhân chứng của những sự kiện lịch sử. Là cây cầu bắc qua 3 thế kỷ và mang trên mình những vết thương của chiến tranh, nhưng Long Biên vẫn sừng sững thi gan cùng thời gian, vẫn bền bỉ lặng lẽ nối đôi bờ sông mẹ. Cầu Long Biên đã trở thành biểu trưng của Hà Nội, là một phần linh hồn mang đậm những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội. Dường như với mỗi người Hà Nội, Long Biên trở thành một phần của ký ức; cũng là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai.