Một số trường phái chính đang được lưu truyền:

  1. Bát Trạch Minh Cảnh
  2. Dương Trạch Tam Yếu
  3. Huyền Không Học
  4. Hình Lý Khí (Loan Đầu)
  5. Khai Môn Điểm Thần Sát

Ngoài ra còn có rất nhiều những phương pháp ứng dụng khác còn lưu truyền trong dân gian liên quan đến phong thủy, như thuật yểm đất, trấn trạch, các phương pháp ứng dụng như Dịch Phong thủy, dùng hình tượng quẻ… 

Sơ lược một số trường phái trong Phong thuỷ:
 
1. Phái Bát trạch Minh cảnh: Phương pháp ứng dụng trong Bát Trạch Minh Cảnh, người ta xét đến mối quan hệ giữa chủ nhà và hướng nhà, mà không xem xét sự tốt xấu của cấu trúc ngôi nhà và vận nhà trong tương quan thời gian. Trường phái này lấy năm sinh của gia chủ phối Bát quái và liên hệ với tám hướng để định cát hung – tốt xấu giữa căn nhà với người ở trong nhà. Trường phái này quan niệm rằng chính hướng phía trước nhà và hướng sau (Sơn) nhà là những yếu tố căn bản quyết định tốt xấu. Ngoài ra các hướng cửa phòng, bếp cũng liện hệ giữa sơn hướng với cung phi bản mệnh của gia chủ. Tóm lại: Phái Bát trạch nghiên cứu quan hệ giữa NĂM SINH của CHỦ NHÀ với VỊ TRÍ TỌA (hoặc HƯỚNG) của ngôi nhà. Yếu tố THỜI GIAN không ảnh hưởng đến việc xác định Bát trạch.
 
2. Phái Dương trạch tam yếu:Tương truyền là do Triệu Cửu Phong đời nhà Tống biên soạn. Phái này cho rằng 3 yếu tố có ảnh hưởng chủ yếu đến sự vượng suy của chủ nhà, đó là đại môn (Cửa chính), phòng chủ và bếp. Ngoài ra, Dương trạch tam yếu lấy bát quái trong Dịch học để biến quái trong phương pháp phiên tinh du niên cho những ngăn phòng theo một quy luật nhất định. Nên coi trọng sự phân phòng, buồng trong ngôi nhà qua phương pháp trên để định cát hung, tốt xấu.
 
3. Phái Hình Lý khí Loan đầu.Xem xét hình thể ngôi nhà trong mối tương quan cảnh quan môi trường để luận đoán cát hung. Phái này không đặt vấn đề trạch và hướng nhà cũng như cấu trúc bên trong như phái Bát trạch và Dương trạch. Trường phái này lấy cảnh quan môi trường của căn hộ làm yếu tố căn bản để nhận xét luận đoán cát hung, tốt xấu cho căn hộ. Cảnh quan môi trường cũng dựa trên phương vị la kinh, để phân tích cát hung, như đường nước chảy (Thủy Pháp), vị trí núi, sông, hồ cảnh quan ở phương vị khác nhau so với ngôi nhà sẽ có tác dụng khác nhau.

4. Phái Huyền không học: Nội dung phương pháp của trường phái này căn cứ trên những quy ước về sự vận động của cửu tinh trên 9 phương vị (8 phương và ở giữa – Trung cung), tùy theo thuộc tính quy ước của cửu tinh và vị trí của nó để luận cát hung cho căn hộ. Qua phần sơ lược về các trường phái nêu trên thì chúng ta đều nhận thấy: Đối tượng để nghiên cứu của các trường phái đều giống nhau (tức là con người với môi trường, điều kiện và hoàn cảnh sống của họ); nhưng lại được xem xét dưới các góc độ khác nhau mà chưa bao quát toàn bộ vấn đề cần nghiên cứu. Khái niệm thời gian và không gian và đối tượng nghiên cứu được mỗi trường phái xem xét và nâng tầm quan trọng dưới nhiều tiêu chí khác nhau.
 
5. Khai môn điểm thần sát: Đại môn là nơi họa phúc tiến vào hoặc ra đi, là nơi động Khí, nơi Âm - Dương - Ngũ Khí gặp nhau mà tạo ra cát hung." Họa tòng Khẩu xuất - bệnh tòng Khẩu nhập ". Nghĩa là mọi tai họa, bệnh tật đều do từ miệng mà ra. Có thể nói rằng: Cát, Hung, Họa, Phúc của Dương Trạch đa phần có liên quan đến khẩu Môn , mà điều đó người ta có thể tạo ra được thông qua phép KHAI MÔN THỤ KHÍ. Từ đó có thể tạo ra và quyết định vận mệnh của mình.