1. The Smile, Anh

Trong giải thưởng Architizer 2017, công trình The Smile của Alison Brooks Architects đã được đề cử ở 2 hạng mục. Công trình này cao 3,5 mét, rộng 4,5 mét, dài 34 mét, có cấu trúc dạng ống chữ nhật uốn cong thành nụ cười trứ danh của chú mèo Cheshire trong phim hoạt hình Alice ở xứ sở thần tiên. Vật liệu chế tác ra The Smile là gỗ uất kim hương ép tấm lớn.

The Smile tiếp xúc với mặt đất ở một điểm, sau khi bước vào bên trong The Smile qua cửa ngỏ ở chỗ cấu trúc cong tiếp xúc với mặt đất. Hai đầu cửa ngỏ đón nắng vào rọi sáng không gian nội thất dạng phễu, đồng thời tạo ra những ban công trên cao cho tầm nhìn phóng ra thành phố bên dưới. Các ô cửa sổ nhỏ nằm dọc theo các mặt tường tạo nên một hoạ tiết ánh nắng thay đổi trong ngày, còn về đêm, không gian nội thất được rọi sáng bởi các dải đèn thẳng chạy theo mặt sàn cong của cấu trúc.

Để hoàn thành The Smile, các KTS từ Alison Brooks Architects đã hợp tác với Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ (AHEC), Arup và Liên hoan thiết kế London để giới thiệu cấu trúc gỗ uất kim hương ghép ngang. The Smile là cấu trúc gỗ ép tấm lớn khó nhằn nhất từng được xây dựng, mọi khía cạnh của thiết kế đều được đẩy đến giới hạn tột đỉnh.

Gỗ được xem là tài nguyên tái tạo và có tính thân thiện với môi trường vượt trội so với bêtông và sắt thép. Và công trình này thực sự cho thấy tiềm năng của gỗ cứng trong xây dựng tương lai. Đây cũng là một gợi ý thiết thực và đám tham khảo về chất đối với những thiết kế công trình hướng đến tương lai như chủ đề “You For Tomorrow – Cuộc sống tương lai từ tầm nhìn hôm nay” của cuộc thi Nhà Thiết Kế Trẻ Châu Á – AYDA 2017.

2. The Ribbon Chapel, Nhật Bản

Nhà nguyện dành cho đám cưới mang tên Ribbon Chapel này là một công trình được để cử trong hạng mục Tòa nhà Văn hóa-Tôn giáo và Đài tưởng niệm. Công trình của kiến trúc sư Hiroshi Nakamura & NAP được xây dựng tại khuôn viên của một resort tại Nhật.

Được cấu thành bởi 2 hệ cầu thang hình xoắn ốc và những bức tường kính lớn, tại nhà nguyện đặc biệt này, cô dâu và chú rể sẽ bước lên hai cầu thang riêng biệt để gặp nhau tại đỉnh cao nhất của nhà nguyện, ngụ ý hai người trước đây có cuộc sống tách biệt thì nay đã cùng nhau đi trên một con đường.

Ribbon có góc 360 độ ra biển, đây được đánh giá là địa điểm tuyệt vời để tổ chức các lễ cưới. Hai cầu thang này sẽ liền mạch trên đỉnh công trình, ở độ cao 15,4m tạo thành một dải ruy-băng duy nhất. Chính giữa công trình là một nhà nguyện 80 chỗ ngồi nơi khách mời, người thân của cô dâu chú rể ngồi chờ đợi hôn lễ.

Ngoại thất bên ngoài công trình là gỗ tấm xếp thẳng sơn màu trắng và hợp kim titan kẽm – một vật liệu chịu được gió biến và đủ mềm dẻo để uốn cong. Công trình sử dụng hợp kim kẽm trên tường, trần, cửa sổ… mang đến thiết kế đơn giản, thống nhất với một vật liệu duy nhất.

Có thể nói The Ribbon Chapel là một công trình vừa có sự độc đáo, sáng tạo trong kiến trúc, vừa có sự mới mẻ và tiệm cận với tương lai qua vật kiến tạo nên công trình. Rõ ràng, các công trình kiến trúc tương lai ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về sự sáng tạo, và phần ngoại thất, mặt tiền, chất liệu công trình chính là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên một công trình đẹp.

3. Urban Rigger, Đan Mạch

Trong Liên hoan Kiến trúc Thế giới năm 2017 (WAF), Urban Rigger do Bjarke Ingels Group thiết kế là một trong những công trình kiến trúc nổi bật, được đề cử vào danh sách “Công trình tiêu biểu thế giới 2017”. Urban Rigger là một ký túc xá nổi trên mặt nước, làm bằng container tái sử dụng đặt lên những chiếc thuyền trên sông nhằm cung cấp cho sinh viên chỗ ở lâu dài, hợp túi tiền ở Copenhagen, Đan Mạch.

Công trình có diện tích 680m2. Những tiện nghi khác bao gồm một bến đậu thuyền Kayak, một bãi tắm, khu vực nướng BBQ và một sân thượng. Để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng, thiết kế đã tận dụng các giải pháp môi trường bền vững từ năng lượng mặt trời và máy bơm tiết kiệm năng lượng.

Một yếu tố rất cần lưu ý với các KTS là công trình phải phù hợp, đáp ứng được các đặc tính thực tế của địa phương. Ngoài ra yếu tố nhìn xa đến sự tác động, biến đổi của môi trường, khí hậu cũng rất cần thiết. Trường hợp của Urban Rigger, đây không chỉ là một công trình phù hợp với đặc tính của thành phố biển như Copenhagen mà còn là một công trình có tính tương lai, còn có thể áp dụng với nhiều thành phố biển khác, đặc biệt trong quá trình trái đất ấm dần lên, mức nước biển dâng cao.

4. Nơi mặn và ngọt giao hòa – Cội rễ

Được trao giải nhất ở hạng mục Kiến trúc trong cuộc thi Nhà Thiết Kế Trẻ Châu Á – AYDA 2017, “Nơi mặn và ngọt giao hòa – Cội rễ” là một công trình mang tính giả tưởng để giải quyết vấn đề biển xâm nhập mặn trong tương lai ở Việt Nam. Cụ thể đây là một công trình xử lý nước mặn, lọc lấy nước ngọt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long vào năm 2100, khi diện tích đất ở bị thu hẹp do nước biển dâng cao.

“Nơi mặn và ngọt giao hòa – Cội rễ” dự kiến được xây dựng ở mạch sông gần với khu vực sông Hậu đổ ra Biển Đông với hệ thống nhiều mô đun và các tháp lọc. Mô hình xử lý nước muối nồng độ cao ở của công trình này được xây dựng dựa trên bộ lọc của cây ngập mặn với 2 vòng xử lý nước mặn, một bước thu gom muối để biến nước mặn thành nước ngọt có thể dùng để sinh hoạt được.

Có thể nói “Nơi mặn và ngọt giao hòa – Cội rễ” được tính toán khá kĩ về công năng. Trong công trình này sẽ có thiết kế luôn nhà máy xử lý muối thu được trong quá trình lọc thành muối thành phẩm và lối đi ngầm cho tàu tiếp cận lấy hàng. Bên cạnh mô đun lọc nước, công trình này còn có môđun trú ẩn nối với phương tiện cứu hộ để phòng trường hợp bão tố, diễn biến thời tiết xấu. Song song với đó, các tòa tháp trong công trình còn được thiết kế đa năng với khu tham quan dưới nước, tổ hợp quán cafe, đài quan sát, khu vui chơi cho trẻ, ăn uống, xem phim, mua sắm cho để thu hút khách du lịch, người dân địa phương.

Dù chỉ là ý tưởng của 2 sinh viên ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh Cao Hiển Vinh và Phan Thị Xuân Hồng nhưng “Nơi mặn và ngọt giao hòa – Cội rễ” thực sự có ý nghĩa cao, chẳng những cho Việt Nam mà còn với những thành phố, khu vực bị tình trạng biển xâm nhập mặn.

5. Living Box – Hộp sống

Đưa ra giải pháp cho không gian sống tương lai, khi khoa học kĩ thuật phát triển, con người kiểm soát được trọng lực, thế giới bùng nổ dân số, kéo theo những không gian sống nhỏ ngày càng phổ biến, thiết kế nội thất “Living Box – Hộp sống” của Lâm Tú Anh -sinh viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp đã giành chiến thắng ở hạng mục Nội thất trong cuộc thi AYDA 2017 với chủ đề “You For Tomorrow – Cuộc sống tương lai từ tầm nhìn hôm nay”.

Thiết kế của Living box dạng hình khối với kích thước 3x3x3m. Vì sống và kiểm soát được môi trường trọng lực nên trừ trần nhà, mỗi mặt tường – sàn được tạo thành một khối chức năng bao gồm Phòng lưu trữ – thay đồ; Phòng làm việc – giải trí; Phòng vệ sinh cá nhân; Phòng ngủ – nghỉ; Phòng bếp – ăn – khách. Thiết kế nội thất của Living box đi theo hướng tối giản, trong đó nội thất trong không gian các “phòng” được thiết kế âm tường nên rất cơ động trong việc đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt cũng như giúp nơi ở gọn gàng, ngăn nắp.

Để mô hình của Living Box thân thiện với môi trường, phần mái được thiết kế để tận dụng được năng lượng mặt trời cho các sinh hoạt hàng ngày. Nước trong sinh hoạt sẽ lấy từ nguồn nước tự nhiên, qua bộ xử lý để phục vụ cho sinh hoạt. Đường nước, hệ thống trữ nước được tích hợp ở 4 góc tường thuận tiện cho sinh hoạt. Nước thải sinh hoạt sau khi lọc sẽ được dùng để nuôi hệ thống cây xanh trồng ở bên ngoài tường nhà.

Với ý tưởng mới mẻ, độc đáo, có thể nói Living Box là thiết kế nội thất táo bạo và đầy triển vọng của sinh viên Việt Nam