Covid-19 hồi sinh công nghệ QR code
Công nghệ QR code từng bị chế giễu là một chiêu trò tiếp thị, nay đang lộn ngược dòng, thu hút nhiều doanh nghiệp nhằm tương tác với khách hàng nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn trong tình hình dịch bệnh.
Nếu bạn thấy ai hướng camera về phía các ô vuông màu trắng đen, không phải họ chụp ảnh mà đang truy cập thực đơn, đặt món, thay vì đọc menu giấy.
Ở nhiều nhà hàng và quán bar tại Anh, QR code được khắc luôn vào bàn, thay thế hoàn toàn menu giấy. Khách hàng chỉ việc quét mã, mở menu chọn món mà không cần tiếp xúc với nhân viên phục vụ. Cái hay của QR code là người dùng không cần tải thêm ứng dụng mới mà chỉ cần một trình duyệt để mở đường link.
Xem thực đơn bằng cách quét QR code.
Ben Wood, nhà phân tích của CCS Insight, nhận định: "Covid-19 đang tạo điều kiện cho sự hồi sinh của QR code. Mong muốn giảm nguy cơ nhiễm bệnh đang làm công nghệ này ngày càng phổ biến".
Trong khi mới được chú ý gần đây ở các nước phương Tây, QR code đã rất thành công tại châu Á.
Ở Trung Quốc, QR code được sử dụng rộng rãi nhờ vào sự phổ biển của ứng dụng WeChat Pay, phát triển bởi hãng giống lồ công nghệ Tencent. Mã QR cho phép người dùng thanh toán hay gửi tiền cho nhau nhanh chóng. Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm, QR code của Tencent được sử dụng tổng cộng 140 tỷ lần. Alibaba, đối thủ của Tencent, cũng cho phép thanh toán bằng mã QR thông qua ứng dụng Alipay.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Trung Quốc sử dụng QR code để xác minh hành trình di chuyển của người dân. Hàng tỷ mã số sức khỏe đã được sử dụng để xác định người dân đến từ vùng dịch hay không. Những người mang mã số từ địa phương có nguy cơ dịch cao sẽ bị cấm đi du lịch và sử dụng phương tiện công cộng. Công nghệ tương tự cũng được triển khai ở Hy Lạp để kiểm soát khách du lịch
.
Được giới thiệu lần đầu năm 1994, công nghệ QR code được nhà phát minh người Nhật, Masahiro Hara, dùng để quản lý linh kiện xe hơi. Những năm 2000, công nghệ này dần phát triển và được ứng dụng vào smartphone để quét vật thể. Ngày nay, một QR code chứa khoảng 3 Kb dữ liệu có khả năng lưu trữ đường link, video hay thậm chí là cả hoạt ảnh thực tế ảo tăng cường (AR).
Công nghệ này từng hứng chịu không ít "gạch đá". Theo một khảo sát năm 2012, chỉ có 8% người tiêu dùng Mỹ biết cách sử dụng mã hai chiều. Tình hình càng mờ mịt hơn khi ngành công nghiệp marketing bắt đầu áp dụng mã QR trong các chiến dịch quảng cáo, gây ra những tình huống hết sức trớ trêu, như trường hợp một thanh niên quét mã QR trên chai tương cà và nhận về một trang web khiêu dâm.
Các nền tảng mạng xã hội lớn, trong đó có Snapchat, đang "hồi sinh" QR code để thu hút thế hệ người dùng trẻ phương Tây. Năm 2015, Snapchat bổ sung QR code liên kết với hồ sơ người dùng, cho phép họ kết bạn với người khác bằng cách chia sẻ mã QR.
Càng dễ dùng, QR code càng được yêu thích. Trên iPhone, Apple đã bổ sung một máy đọc QR code bên trong camera. Chỉ cần cập nhật iOS mới nhất, bạn đã có thể dùng camera để quét QR code. Apple cũng chuẩn bị ra mắt chức năng quét QR code trên ứng dụng Apple Pay để người dùng quét mã và thanh toán từ smartphone, tương tự phương thức của WeChat.
CEO một dịch vụ thanh toán tại Anh khẳng định, QR code không còn là chiêu trò quảng cáo nữa mà đã biến thành công cụ sử dụng trong đời sống hàng ngày. "Điểm khác biệt là bây giờ chúng ta có động lực mạnh mẽ để sử dụng. Trước kia, quét QR là tính năng có cho vui, giờ đây đó QR là cách duy nhất để gọi một cốc cafe", ông nói.