Ứng dụng Việt dùng AI để nuôi tôm cá
Farmex - ứng dụng quản lý ao nuôi tôm của công ty Tép Bạc - ghi lại nhật ký chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc bằng QR code, cảnh báo dịch bệnh bằng AI.
Ứng dụng Farmext mới đoạt giải quán quân cuộc thi Startup Việt 2020 do báo VnExpress tổ chức. Ứng dụng khởi nguồn từ diễn đàn Tép Bạc nổi tiếng trong ngành chăn nuôi thuỷ hải sản. Sau bốn năm phát triển, ứng dụng có hơn 200.000 người dùng, giúp quản lý khoảng 150.000 trại nuôi trên khắp cả nước.
Trên Farmext, người dùng có thể xem nhanh các thông tin chung về ao nuôi, số tuổi của tôm cá, tình trạng thức ăn, môi trường nước, biểu đồ quản lý chi phí, nhật ký nuôi trồng điện tử, kết nối với chuyên gia...
Trong phần chủ trại, người dùng xem được những ao nuôi nào đang trống, tình trạng hiện tại của từng ao. Nếu có vấn đề bất thường, hệ thống sẽ tự động ghi nhận và thông báo trên biểu đồ. Phần thống kê tài chính cũng cho thấy chi tiết về khoản thu, chi hàng tháng từ đó tính toán lợi nhuận dự kiến dựa trên sản lượng trong ao và giá thị trường được cập nhật liên tục.
Ở mục chi tiết từng ao nuôi, Farmext hoạt động như sổ tay điện tử, ghi chép lại chi tiết ngày thả giống, loài nuôi, chi phí chuẩn bị.... Người dùng có thể dùng quy trình có sẵn hoặc tự nhập cách thức nuôi riêng của mình để theo dõi. So với cách thức ghi chép bằng sổ truyền thống, Farmext được thiết kế trực quan, dễ dàng nhập liệu và cho phép người nuôi có thể kiểm soát được chi phí, tình trạng ao nuôi hàng ngày mà không mất công tính toán nhiều.
Ví dụ trong ao nuôi tôm, Farmext sẽ thống kê chi tiết cho người nuôi biết về số ngày tuổi của tôm, cỡ tôm bao nhiêu con một ký, số lượng tôm có trong ao, tổng sản lượng dự kiến, số lượng thức ăn đã dùng...Ứng dụng sẽ cho người nuôi thấy tốc độ tăng trưởng hàng ngày của tôm, tính chi phí chăn nuôi mỗi ngày. Dựa trên giá thị trường được cập nhật và sản lượng tôm có trong ao, AI sẽ tính cho người dùng được khoản lời nếu thu hoạch ở thời điểm hiện tại và dự báo sẽ lời lỗ ra sao nếu thu hoạch sau một tuần nữa.
Người dùng càng nhập chi tiết về số về lượng thức ăn, hao hụt, trọng lượng hàng ngày của vật nuôi thì sai số của dự báo sẽ càng chính xác. Những công thức tính toán, dự báo hoặc quy trình chăn nuôi đều được tham khảo dựa trên công thức của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc) kết hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Trên ứng dụng, người nuôi cũng có thể theo dõi sức khoẻ tôm, cá và có những chỉ dẫn thăm khám cho từng loại bệnh. Phần hỏi đáp sẽ kết nối trực tiếp người nuôi với chuyên gia đến từ các trường, viện nghiên cứu để được tư vấn, hướng dẫn. Hệ thống AI được tích hợp trong ứng dụng có thể nhận biết từng nhóm bệnh. Thông tin sau đó được mã hoá, gửi lên dữ liệu điện toán đám mây và phát đi cảnh báo cho những người nuôi khác về dịch bệnh trong khu vực lân cận.
"Trong nhiều năm, cơ quan chức năng phải chi rất nhiều tiền để phân tích, cảnh báo về dịch bệnh trong chăn nuôi hải sản nhưng không hiệu quả. Vì lợi ích của mình, người dân thường giấu bệnh trong ao, tự tìm cách chữa, khiến bệnh từ một ao có thể lan rộng ra một vùng mà không kịp kiểm soát. Tuy nhiên với AI, Farmext có thể phát hiện dịch bệnh từ một ao, sau đó gửi thông báo đến những người dùng lân cận trong khi vẫn bảo mật thông tin cho chủ ao", Trần Duy Phong giải thích. Việc cảnh báo sớm và liên tục về dịch bệnh đặc biệt hữu ích trong ngành chăn nuôi tôm vì có thể giảm thiệt hại hàng tỷ đồng cho mỗi hộ kinh doanh.