Xây nhà phải có thiết kế
Thiết kế và thi công xây dựng nhà phải là những đơn vị có đủ năng lực hành nghề, năng lực hoạt động trong công việc thực hiện, được quy định trong Điều 53 Nghị định 12/2009/NĐ-CP với các công trình có tổng diện tích sàn >250m hoặc >3 tầng hoặc có tầng hầm. Với các công trình quy mô nhỏ hơn thì có thể sử dụng mẫu có sẵn và phải có kinh nghiệm, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm.
 

 
Tổ chức, cá nhân thực hiện việc khảo sát xây dựng, thiết kế và thi công xây dựng nhà ở phải có năng lực phù hợp với công việc đảm nhận và phải chịu trách nhiệm trước chủ nhà và pháp luật về chất lượng công việc do mình đảm nhận. Chủ nhà có đủ năng lực thì được tự thực hiện các công việc trên
Về thiết kế và khảo sát hiện trạng, khảo sát địa chất
 
Khi xây dựng nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, có từ 2 tầng trở xuống tại nông thôn, chủ nhà nếu không có bản vẽ thiết kế hoặc không lập được bản vẽ thiết kế thì có thể thi công theo mẫu nhà ở đã được xây dựng nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình.
 
 
Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong khu di sản văn hóa, di tích lịch sử-văn hóa hoặc trường hợp nâng tầng nhà ở thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân thiết kế có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hành nghề thiết kế xây dựng là những tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 49 và Điều 54 Nghị định 12/2009/NĐ-CP.
 
Thiết kế nhà ở phải được lập trên cơ sở kiểm tra ranh giới đất và chất lượng nền đất nơi dự kiến xây dựng nhà ở hoặc báo cáo kết quả khảo sát xây dựng; kết quả xem xét, kiểm tra hiện trạng các công trình liền kề, lân cận; phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật; phải bảo đảm an toàn cho nhà ở và không làm ảnh hưởng bất lợi tới các công trình liền kề, lân cận. phải có giấy phép trước khi khởi công.

Phải tuân thủ quy hoạch


 
Với thiết kế, phải tuân thủ các quy định chi tiết về thiết kế đô thị của chính quyền địa phương (nếu có) và hướng dẫn của cơ quan cấp Giấy phép xây dựng về quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, về bố cục công trình, khoảng cách tối thiểu giữa các công trình xây dựng riêng lẻ, khoảng lùi của nhà ở so với lộ giới đường quy hoạch, mật độ xây dựng cho phép, kích thước lô đất quy hoạch xây dựng nhà ở, chiều cao, phần nhà được phép nhô quá chỉ giới đường đỏ trong trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ, phần nhà được xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng trong trường hợp chỉ giới xây dựng lùi vào sau chỉ giới đường đỏ. Bảo đảm quan hệ với các công trình bên cạnh và các yêu cầu kỹ thuật khác đối với nhà ở.
 
Kiểm tra hiện trạng để tránh tranh chấp
Khi xây dựng, chủ nhà cần kiểm tra ranh giới đất, các vật kiến trúc được xác định trong các giấy tờ về sở hữu đất, đường ống cấp, thoát nước dùng chung để tránh tranh chấp ranh giới đất và quyền sở hữu các vật kiến trúc. Nếu có sai khác giữa sơ đồ đất được xác định kèm theo giấy tờ sở hữu đất với ranh giới thực tế tại thời điểm xây dựng nhà ở, chủ nhà cần phải tổ chức đo đạc, lập bản đồ ranh giới đất ở tỷ lệ 1/200 với hệ tọa độ theo quy định và thông báo cho các chủ hộ liền kề.
 
Để bảo đảm an toàn cho các công trình liền kề cũng như làm cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có) giữa chủ nhà và với các chủ công trình này, trước khi phá dỡ công trình cũ hoặc trước khi thi công xây dựng nhà ở, chủ nhà cần chủ động phối hợp với các chủ công trình liền kề kiểm tra hiện trạng các công trình liền kề. Chủ nhà có thể tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp thực hiện việc này. Nội dung kiểm tra hiện trạng công trình liền kề bao gồm: tình trạng lún, nghiêng, nứt, thấm dột và các biểu hiện bất thường khác của công trình liền kề. Kết quả kiểm tra hiện trạng được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng ảnh, bằng phim. Khi cần thiết, tiến hành đo đạc và đánh dấu các biểu hiện hư hỏng trên bề mặt công trình để có cơ sở theo dõi. Kết quả kiểm tra hiện trạng phải được sự thống nhất giữa chủ nhà với chủ các công trình liền kề có sự chứng kiến của đại diện UBND cấp xã hoặc của đại diện tổ dân phố khi cần thiết.
 
 
Trường hợp các chủ công trình liền kề, lân cận không cho kiểm tra hiện trạng công trình thì chủ nhà cần báo cáo UBND cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố để yêu cầu các chủ công trình này phối hợp với chủ nhà để kiểm tra. Nếu các chủ công trình liền kề, lân cận vẫn không hợp tác kiểm tra thì chủ nhà vẫn thực hiện việc thiết kế, thi công xây dựng nhà ở. Mọi chứng cứ về hư hỏng công trình liền kề, lân cận do chủ các công trình này đưa ra khi không có sự thống nhất với chủ nhà sẽ không được công nhận khi có tranh chấp xảy ra, nếu có.
 
Khi phát hiện công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sụp đổ thì chủ nhà hoặc chủ đầu tư phải khẩn trương phối hợp với các chủ công trình liền kề, lân cận xem xét, xác định nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục. trường hợp các bên không tự giải quyết được tranh chấp thì báo cáo UBND cấp xã để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Về thi công xây dựng
Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc các trường hợp sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong nhà ở không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của nhà thì mọi tổ chức, cá nhân  được thi công nếu có kinh nghiệm đã từng thi công xây dựng nhà ở có quy mô tương tự hoặc thực hiện công việc tương tự. Tổ chức, cá nhân thi công chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường.
 
 
Đối với nhà ở có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250m2  hoặc từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở có tầng hầm hoặc thi công nâng tầng nhà ở thì tổ chức thi công xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định tại Điều 53 Nghị định 12/2009/NĐ-Cp.
 
Chủ nhà có thể giao cho từng nhà thầu thực hiện từng công việc hoặc có thể giao cho một nhà thầu thực hiện tổng thầu hoặc thực hiện theo hình thức tổng thầu chìa khóa trao tay. Giao kết giữa chủ nhà và các nhà thầu phải được thể hiện thông qua hợp đồng xây dựng xác lập bằng văn bản, đặc biệt đối với các nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình.