Phương án kiến trúc cầu Tứ Liên là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ,

hai hệ trụ cầu chính được tạo hình.

Theo các chuyên gia nhận định, bờ Đông sông Hồng sở hữu lợi thế khi chỉ cách quận Hoàn Kiếm 1 cây cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu vực phía Đông thành phố vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có.

Vì vậy, ngày 7/7 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thực hiện quy hoạch 2 bờ sông Hồng với kỳ vọng sẽ tạo ra kỳ tích sông Hồng, thúc đẩy bờ Đông sông Hồng trở thành “Thành phố trung tâm phía Đông”.

Để tạo ra “kỳ tích sông Hồng” cho bờ Đông sông Hồng, dự kiến Hà Nội sẽ triển khai hàng loạt các cây cầu nghìn tỷ, cùng các công trình trọng điểm có tổng mức đầu tư tới hàng tỷ USD như: Cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Mễ Sở, cầu Ngọc Hồi, cầu Tứ Liên


Vị trí dự kiến xây dựng cầu Tứ Liên

Cầu Tứ Liên là một trong số 18 công trình đường bộ vượt qua sông Hồng, nằm giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, cách cầu Long Biên khoảng 3km về phía thượng lưu, cách cầu Nhật Tân khoảng 4km về phía hạ lưu.

Cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được xây dựng điểm đầu từ Nghi Tàm (quận Tây Hồ) đến đường Hoàng Sa (huyện Đông Anh). Tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe và chiều dài 4,8km. Thời gian thực hiện dự án kéo dài 4 năm từ 2020 – 2024.

Mới đây, Hà Nội đã công bố phương án kiến trúc cầu Tứ Liên, đồng nghĩa một cây cầu hiện đại, kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Vành đai 3, khu vực đô thị của huyện Đông Anh với trung tâm thành phố sẽ sớm hình thành.

Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc sông Hồng, mà còn tạo tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.

Cầu Trần Hưng Đạo: Dự kiến sẽ nối từ Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) đến Cổ Linh (quận Long Biên). Tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, chiều dài 5,5km. Tốc độ thiết kế 80km/h. Cầu sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Văn Giang về Hoàn Kiếm


Phối cảnh phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Được biết, cầu Trần Hưng Đạo là một trong những cầu đường bộ vượt sông Hồng (đoạn qua địa phận Hà Nội) đã được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 cũng như Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đơn vị xây dựng đang nghiên cứu hai phương án kiến trúc cầu. Phương án 1 theo kiến trúc kiểu nệ cổ, điểm nhấn là biểu tượng trụ cổng giống các cửa ô của thủ đô tạo ra không gian cổ kính. Phương án 2, với điểm nhấn là trụ cầu mô phỏng thanh kiếm của Trần Hưng Đạo vươn lên bầu trời, gắn với trận chiến Bạch Đằng.

Như vậy, phương án kiến trúc cuối cùng sẽ trình UBND thành phố Hà Nội trước tháng 10 năm nay. Thành phố sẽ thành lập Hội đồng kiến trúc để đánh giá, thẩm định các phương án kiến trúc cầu theo đề xuất của tư vấn, sau đó xem xét chủ trương và phương thức đầu tư cầu Trần Hưng Đạo


Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn hai sẽ có quy mô, hình dáng giống cầu thứ nhất.

Cây cầu thứ 3 chuẩn bị được xây dựng là cầu Vĩnh Tuy 2. Cầu Vĩnh Tuy 2 được xây dựng song song với cầu đã được xây dựng trong giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng với quy mô 4 làn xe, chiều dài 3,5km. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020 – 2022. Mục tiêu: hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của Thủ đô.
 


 

Cầu Ngọc Hồi với điểm đầu Thanh Trì, điểm cuối tại Văn Đức (huyện Gia Lâm). Tổng mức đầu tư 4.880 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe và chiều dài 13,8km.

Dự án sẽ góp phần hoàn thiện giao thông cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Theo quy hoạch, cầu Ngọc Hồi nối với đường Hà Nội - Hưng Yên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Như vậy, trong tương lai khi xây dựng cầu Ngọc Hồi, cầu Thanh Trì sẽ không còn cảnh ùn tắc khi phương tiện có nhiều sự lựa chọn hơn.

Với tổng mức đầu tư 4.880 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe và chiều dài 13,8km, cầu Mễ Sở theo quy hoạch sẽ nằm trên tuyến đường Vành đai 4 qua sông Hồng nối huyện Văn Giang (Hưng Yên) với Thường Tín (Hà Nội). Theo tìm hiểu, đường dẫn lên cầu Mễ Sở thuộc địa bàn huyện Thường Tín, cơ bản chạy song song với kênh dẫn nước từ trạm bơm Hồng Vân và giao cắt với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Xây dựng cầu vượt sông Hồng là vấn đề bức thiết, quan trọng, vừa giảm ách tắc giao thông vừa phát triển khu vực 2 bên sông, kết nối hạ tầng.

Mỗi cây cầu qua sông Hồng khởi nguồn từ nội đô thì đều có ý nghĩa về mặt kết nối và xác định vai trò động lực của Hà Nội với các vùng xung quanh. Tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển đột phá 2 bên sông Hồng. Trong các lần quy hoạch, chúng ta mới chỉ tập trung phía Nam sông Hồng, nhưng những năm gần đây, cần phát triển thêm phía Bắc sông Hồng để đưa khu vực Đông Anh, Gia Lâm thành trung tâm mới – giảm áp lực cho nội đô, với quỹ đất rất rộng để phát triển.

Ngoài ra, mỗi cây cầu được xây đều phản ánh giá trị văn hóa, đánh dấu sự phát triển của đất nước. Điển hình là cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử, cầu Vĩnh Tuy – cây cầu có ý nghĩa phát triển nội đô và hoàn toàn khai thác, phát huy tầm vóc của Việt Nam – đây là cây cầu chúng ta tự thiết kế, xây dựng.

Gần đây nhất, cây cầu Nhật Tân đã thể hiện nhận thức thẩm mỹ của người Việt Nam – Hà Nội đã chọn phương án thiết kế thẩm mỹ nhất, tốn kém nhất nhưng mang lại hiệu quả mỹ quan cao.

Vì vậy, xây dựng cầu không chỉ giải bài toán giao thông, phát triển kinh tế mà còn mang dấu ấn văn hóa của 1 giai đoạn nhất định. Với truyền thống như vậy, Hà Nội nên xem xét yếu tố văn hóa – thẩm mỹ để chọn ra những phương án thiết kế hợp lý và tối ưu nhất.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã ghi nhận một số ý kiến của người dân xoay quanh việc Hà Nội chuẩn bị xây dựng thêm 5 cây cầu bắc qua sông Hồng.

Chị V.N.Hà – sống tại Gia Lâm chia sẻ: Hàng ngày, tôi phải đi từ bên kia thành phố vào trung tâm để đi làm. Vì thế, tôi rất mong chờ các cây cầu được xây dựng sẽ kết nối giao thông và người dân đi lại thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian đi lại trên đường.

Ngược lại, bác N.N.Mai (quận Hoàn Kiếm) thì lại cho rằng: Xây thêm cầu là rất tốt nhưng tôi thấy cần phải có những thiết kế, hướng dẫn rõ ràng cho đường dẫn lên các cầu này. Nhất là vào giờ cao điểm, thường xuyên tắc tại các nút giao lên, xuống cầu.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Minh (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Tôi nghĩ, việc xây dựng cầu cần phải tạo ra những điểm nhấn đô thị. Do vậy, cần nâng cao trình độ thiết kế cầu, xây những cây cầu đẹp, kiến trúc độc đáo như cầu Nhật Tân, cầu Rồng (Đà Nẵng). Như vậy, vừa giải bài toán giao thông, vừa tạo nên vẻ đẹp cho Thủ đô. Chúng ta không mong chờ những câu cầu bê tông đơn điệu, nhạt nhòa, không có dấu ấn.